Mở mới trung tâm đăng kiểm phải gắn với quy hoạch tỉnh
Việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan, trong đó có xét đến các yếu tố đặc thù của các địa phương, vùng sâu, vùng xa,...
Ngày 8/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong đó đã bổ sung quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc cấp phép cho các đơn vị đăng kiểm.
Cục Đăng kiểm VN cho biết, khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, Nghị định 139/2018 sửa đổi bổ sung Nghị định 63/2016 cũng được ban hành (có hiệu lực từ 1/1/2019) để phù hợp với Luật Quy hoạch.
Do đó, từ năm 2019, đơn vị có nhu cầu thành lập trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới tại các địa phương trên toàn quốc không còn phải tuân thủ theo quy hoạch tại Quyết định số 3771 ngày 6/10/2014 của Bộ GTVT (về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể các TTĐK và dây chuyền kiểm định xe cơ giới đến năm 2020, tầm nhìn 2030). Đồng thời, trước khi xây dựng không cần sự chấp thuận của Cục Đăng kiểm VN về vị trí, địa điểm xây dựng TTĐK như trước đây.
Chính điều này đã khiến số lượng TTĐK tăng nhanh chóng trong vài năm qua lên 281 đơn vị, vượt cả quy hoạch mạng lưới đăng kiểm đến năm 2030 tại Quyết định 3771 trước đây, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nảy sinh tiêu cực.
Nhận diện được vấn đề này, Bộ GTVT đã tham mưu, xây dựng dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định 30 sửa đổi, bổ sung Nghị định 139 có hiệu lực từ ngày 8/6, đưa nội dung quy định chặt chẽ hơn các điều kiện thành lập các TTĐK.
Cụ thể, Nghị định 30 quy định: Việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan, trong đó có xét đến các yếu tố đặc thù của các địa phương, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện được đăng ký trên địa bàn; khuyến khích ứng dụng công nghệ, thiết bị kiểm định hiện đại.
Vị trí xây dựng đơn vị đăng kiểm phải tuân thủ quy định về đấu nối, kết nối hệ thống giao thông; thuận tiện cho xe cơ giới ra vào kiểm định; đảm bảo an toàn, thuận lợi trong quá trình hoạt động, không gây cản trở và ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Cục Đăng kiểm VN cho biết, không những nở rộ các TTĐK sau năm 2019 mà việc thành lập các đơn vị này cũng không đồng đều. Nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi chỉ có 1-2 TTĐK trong khi tại các tỉnh thành đồng bằng, đô thị lại “mọc” dày đặc.
Nghị định 30 vẫn giữ quy định đăng kiểm viên phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí, trong chương trình đào tạo đại học có các nội dung: Lý thuyết ô tô; Cấu tạo ô tô; Kết cấu tính toán ô tô; Bảo dưỡng kỹ thuật ô tô; Động cơ đốt trong và Điện ô tô hoặc các nội dung tương đương.
Tuy nhiên, Nghị định đã nới lỏng hơn quy định đối với trường hợp không đầy đủ các nội dung trên có thể được đào tạo bổ sung tại các cơ sở giáo dục đại học thay vì tại trường đại học (như Nghị định 139).