Mở một cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang
Ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa lệnh cho Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang mở một cửa xả đáy vào 14h.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hồi 7h ngày 14/7, mực nước thượng lưu hồ Thủy điện Tuyên Quang ở cao trình 107,25m, mực nước hạ lưu 50,48m, lưu lượng về hồ 1.200m3/s, tổng lưu lượng về hạ du 702m3/s.

Hồ thủy điện Tuyên Quang mở một cửa xả đáy lúc 14h ngày 14/7.
Để đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường lệnh cho Giám đốc Công ty Thủy Điện Tuyên Quang mở một cửa xả đáy hồ Thủy điện Tuyên Quang vào 14h ngày 14/7; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa; kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các cơ quan liên quan theo quy định.
Sáng 14/7, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng có cuộc họp với các sở, ngành nhằm khẩn trương thực hiện giải pháp khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, từ ngày 1 đến ngày 14/7, địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt mưa lớn kèm dông lốc, sét. Đặc biệt, từ ngày 1 đến 3/7, lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, cụ thể tại xã Bắc Quang 150mm, xã Linh Hồ 135mm, xã Nấm Dẩn 119mm...
Hậu quả, hai người chết, một người bị thương, 164 nhà hỏng, tốc mái, ngập, 35,6ha cây màu bị vùi lấp, ngập úng. Đường giao thông các tuyến QL279, QL280, QL2C, QL3B, QL2, xã Bắc Quang, Nậm Dịch, Hồ Thầu, Tiên Yên, Hà Giang 1, Cao Bồ, Xín Mần, Pà Vầy Sủ sạt lở, hư hỏng… Ước tính ban đầu thiệt hại 2,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường - cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn - tiếp thu ý kiến tham mưu cho tỉnh, khẩn trương thực hiện phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro; xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền trong công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.
Thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường, các xã, phường phải chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả các tình huống, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước; phát huy hiệu quả phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo không bị động, bất ngờ; nâng cao khả năng thông tin liên lạc, báo động và cảnh báo sớm để chủ động ứng phó thiên tai; khắc phục nhanh chóng thiệt hại, sớm ổn định đời sống, sản xuất cho người dân…