Mở ngành mới đào tạo nhân lực y tế: Phải đảm bảo sinh viên có điều kiện thực hành
Trong buổi làm việc với Trường Đại học Nam Cần Thơ, một trong những cơ sở đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe, TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh phải tạo điều kiện để sinh viên được thực hành, vững tay nghề trước khi ra trường.
TS. Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, trường thành lập năm 2013 là một trong những trường đại học lớn ở khu vực miền Tây. Sau 10 năm hoạt động, trường hiện đào tạo 41 mã ngành với 19.000 học viên, sinh viên đang theo học, trên 8.000 học viên, sinh viên đã tốt nghiệp.
Trường tuyển sinh đại học hệ chính quy theo 3 phương thức: xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực năm 2023 của Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Tính đến tháng 7/2023, Trường Đại học Nam Cần Thơ đã được phép đào tạo 6 mã ngành thuộc khối ngành sức khỏe, gồm: Y khoa, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Quản lý bệnh viện, Dược lý - Dược lâm sàng.
Riêng 3 ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Răng hàm mặt trường đã hoàn thiện đề án, gửi Bộ Y tế thẩm định, góp ý, chỉnh sửa.
Về chương trình đào tạo, các ngành thuộc khối ngành sức khỏe của trường được xây dựng trên khung chương trình của Bộ Y tế, có tham khảo chương trình đào tạo của các trường có kinh nghiệm đào tạo các ngành sức khỏe trong nước và quốc tế.
Về kế hoạch đào tạo thực hành, trường phân chia theo từng học kỳ của toàn khóa, có phân công cụ thể cho từng bộ môn, khoa quản lý chuyên môn, chịu trách nhiệm thực hiện.
Giảng viên hướng dẫn thực hành là các dược sĩ, cử nhân, bác sĩ và được bồi dưỡng kỹ năng phòng thí nghiệm, tập huấn công tác an toàn phòng thí nghiệm.
Đào tạo khối ngành sức khỏe phải có cơ sở để sinh viên thực hành
Khảo sát thực tế tại Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ để đánh giá cơ sở đào tạo thực hành đối với khối ngành sức khỏe của trường, TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhận định trường đã đầu tư công phu khi xây dựng được bệnh viện thực hành cho sinh viên.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đào tạo điều dưỡng, cũng như bác sĩ phải đạt được yêu cầu chuyên môn mà sinh viên cần đạt khi ra trường, đồng thời cần đội ngũ giảng viên, bác sĩ giỏi, cơ sở thực hành đồng bộ.
Ông cho rằng, bác sĩ đa khoa được thực hành trên bệnh nhân cụ thể hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cơ sở thực hành và chương trình đào tạo của mỗi trường. Đây là nhóm ngành đặc biệt, sinh viên nếu chỉ học chay thì rất khó hành nghề khi ra trường.
Về việc trường mở thêm 3 ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Răng hàm mặt TS. Vương Ánh Dương góp ý trường nên tìm hiểu nhu cầu nhân lực của 3 ngành này. Về phần đào tạo, ông khuyến nghị nhà trường nên bám sát yêu cầu chuyên môn thực tế khi xây dựng chương trình đào tạo.
Tương tự, TS. Nguyễn Văn Quân, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo cũng nhận định trường đầu tư rất lớn trong việc mở cơ sở thực hành cho sinh viên. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Quân cũng băn khoăn khi ngành Điều dưỡng và Y học dự phòng chưa thấy cơ sở thực hành. Ông đề nghị trường có bản giải trình, minh chứng, cam kết về việc xây dựng đội ngũ nhân lực và cơ sở thực hành trong đề xuất với Bộ GD-ĐT để mở ngành mới.
Còn TS. Nguyễn Minh Lợi, Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế đánh giá sự nỗ lực của nhà trường trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc đào tạo sinh viên khối ngành khoa học sức khỏe. Đây là một trong số ít các cơ sở ngoài công lập đào tạo khối ngành sức khỏe có bệnh viện khang trang để sinh viên thực hành.
Về mặt chuyên môn, TS. Nguyễn Minh Lợi góp ý trường cần có có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng hiệu quả trang thiết bị của bệnh viện.
Ngoài ra, để bệnh viện hoạt động xứng đáng với cơ sở đầu tư của mình ông khuyến khích cần phải có nhân lực giỏi tay nghề, thu hút người dân tới khám, chữa bệnh. Đây cũng là cơ hội để sinh viên có điều kiện thực hành.
TS. Nguyễn Minh Lợi cho biết, đến năm 2027, sinh viên phải thi cấp chứng chỉ hành nghề mới được hành nghề. Ông đề nghị trường nghiên cứu lộ trình, xem xét chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, đặc biệt cơ sở thực hành… có chất lượng, để sinh viên đáp ứng được yêu cầu đầu ra.