Mở ngành sức khỏe tràn lan: nỗi lo chất lượng đầu ra

Nở rộ đào tạo ngành sức khỏe

Theo báo cáo về quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Y tế, dự báo nhu cầu giường bệnh sẽ tiếp tục tăng mỗi năm. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung 92.500 giường bệnh. Như vậy, nhu cầu về bác sĩ, điều dưỡng sẽ tiếp tục tăng về số lượng và chất lượng. Trong đó, giai đoạn 2021-2030, số lượng điều dưỡng cần gấp đôi so với bác sĩ là 304.000 điều dưỡng trên tổng số 168.300 bác sĩ.

Từ thực tế nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều trường đại học, cao đẳng đã công bố đào tạo các ngành mới liên quan đến khối ngành sức khỏe. Cụ thể, vào tháng 4 vừa qua, Trường Đại học Hòa Bình (tại Hà Nội) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo ngành y khoa bậc đại học.

Ngoài ra, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng (TPHCM) cũng mở thêm hai ngành là Y học công cộng và Dinh dưỡng. Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) mở thêm ngành Kỹ thuật hình ảnh y học, Quản lý bệnh viện, Y học cổ truyền. Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tuyển 200 chỉ tiêu cho ngành điều dưỡng. Theo điểm chuẩn của các trường này công bố, những ngành học liên quan tới khối ngành sức khỏe chỉ lấy khoảng 22-23 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn của các trường công lập như Trường Đại học Y Dược TPHCM, Trường Đại học Y Hà Nội là 27-28 điểm.

Ở bậc giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam (TPHCM) tuyển hàng trăm chỉ tiêu cho hai ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học. Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cũng thông báo tuyển sinh hệ 9+ cho ngành Dược. Theo đó, thí sinh chỉ cần có bằng tốt nghiệp THCS trở lên và đăng ký theo phương thức xét tuyển thẳng vào học, không thi tuyển. Sau 4 năm rưỡi, sinh viên được tiếp tục học lên bậc học đại học.

Trước tình trạng ồ ạt mở các khối ngành sức khỏe và dễ dãi trong tuyển sinh như hiện nay, nhiều chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại về chất lượng đầu ra của đội ngũ bác sĩ, dược sĩ trong tương lai.

Trao đổi với KTSG Online, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường Đại học Phan Châu Trinh, Phó chủ tịch thường trực Hội hành nghề y tư nhân TPHCM, cho biết hiện nay, có những trường mở ngành hoặc trường chuyên đào tạo khối ngành sức khỏe còn lơ là, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng. Một số trường lấy học phí để hoạt động, điều hành nên trường chủ yếu chạy theo số lượng nhưng không quan tâm nhiều đến chất lượng sau đào tạo.

Bên cạnh đó, một số trường còn không ký được hợp đồng thực hành cho sinh viên ở các bệnh viện. Nguyên nhân là do bệnh viện không đủ nhân lực để hướng dẫn vì sinh viên quá đông, gây phiền hà cho bệnh nhân. Còn một số bệnh viện ký hợp đồng thực hành cho sinh viên vì chủ trương, ngoại giao.

Sức khỏe là một trong những ngành đào tạo đặc thù nên cần có các quy định khắt khe để đảm bảo chất lượng. Ảnh: Minh Thảo

Sức khỏe là một trong những ngành đào tạo đặc thù nên cần có các quy định khắt khe để đảm bảo chất lượng. Ảnh: Minh Thảo

Theo PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TPHCM, hiện nay, một số trường y khoa mới mở có thể không đạt tiêu chuẩn. Do phải tăng lượng tuyển sinh để tăng doanh số của trường mới mở nên yêu cầu về năng lực của người học có thể bị hạ thấp. Nhiều trường mới mở thường không có đủ giảng viên có đủ kinh nghiệm và trình độ. Bởi những giảng viên có kinh nghiệm thường gắn bó với các trường đại học được thành lập nhiều năm trước đó. Các trường đại học ngoài công lập cũng thường không có mạng lưới giảng viên gắn kết với các bệnh viện công để giảng dạy tại các bệnh viện công. Vì vậy, trường thường phải nhờ vào các bác sĩ dù có kinh nghiệm lâm sàng nhưng ít có kinh nghiệm giảng dạy.

Nói về quy trình đánh giá chuẩn thống nhất, kiểm soát chất lượng quá trình đào tạo chung cho tất cả trường đào tạo y khoa, bác sĩ Tùng thẳng thắn chỉ ra “Cả nước có nhiều khoa y trong trường đại học đa ngành hay trường đai học chỉ dạy ngành sức khỏe riêng biệt. Tuy nhiên, hiện chưa có một chuẩn mực chất lượng chung. Mỗi trường tự đặt về chuẩn đầu ra, chuẩn đầu vào; từ đó xây dựng chương trình đào tạo dựa vào những chuẩn đã đặt ra”.

Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, chất lượng đại học có hai phần là chất lượng cơ sở đào tạo và chất lượng chương trình đào tạo. Các trường phải tự đánh giá, kiểm định hai chất lượng này, sau đó được một trung tâm độc lập kiểm định lại việc tự đánh giá.

Tuy nhiên, bộ công cụ sử dụng để đánh giá được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dùng chung cho tất cả trường đại học đa ngành. “Như vậy, hiện vẫn chưa có bộ công cụ đánh giá dành riêng cho ngành khoa học sức khỏe. Điều này khiến chất lượng giáo dục ngành dạy y khoa chưa phản ánh đúng, cũng như không thể đánh giá xếp hạng đúng chất lượng cho từng trường dạy ngành sức khỏe nói chung và y khoa nói riêng. Do đó, nguồn nhân lực được đào tạo ra trường không thể tương thích trình độ với các nước khác”, bác sĩ Tùng cho hay.

Theo các chuyên gia y tế, những trường muốn đào tạo y khoa cần chú trọng đến cơ sở vật chất, cơ sở thực hành tiền lâm sàng, có cơ sở thực tập… Ảnh minh họa: Minh Thảo

Theo các chuyên gia y tế, những trường muốn đào tạo y khoa cần chú trọng đến cơ sở vật chất, cơ sở thực hành tiền lâm sàng, có cơ sở thực tập… Ảnh minh họa: Minh Thảo

Đề xuất xây dựng trung tâm thi cấp phép hành nghề

Theo bác sĩ Tùng, việc xin mở cũng như cấp phép cho mở ngành khoa học sức khỏe đã có quy định của luật pháp. Trong đó, cơ sở giáo dục phải đáp ứng đủ các điều kiện của cả hai Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì mới được mở ngành đào tạo.

Có ba điều kiện cần và đủ. Thứ nhất là trường phải xây dựng được chuẩn đầu ra, đầu tư đúng chuẩn về hạ tầng giảng dạy theo năng lực. Thứ hai là đủ số lượng giảng viên có năng lực giảng dạy ngành sức khỏe. Thứ ba là trường phải có bệnh viện thực hành riêng hay đáp ứng được Thông tư 111 (nghĩa là bệnh viện phải có liên kết đào tạo). Tuy nhiên, cho đến hiện nay, những điều kiện này vẫn chưa được một số đơn vị giáo dục nhìn nhận đúng đắn và chưa được đầu tư đầy đủ.

Vì vậy, Phó chủ tịch thường trực Hội hành nghề y tư nhân TPHCM đề xuất Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm xây dựng những trung tâm thi cấp phép hành nghề quốc gia chuẩn mực. Nếu được như vậy, dù sinh viên ngành sức khỏe học bất kỳ trường đại học nào, muốn hành nghề sau khi ra trường đều phải đạt được chuẩn mực đề ra.

“Việc này giúp bằng tốt nghiệp thể hiện đúng năng lực học tập của từng sinh viên. Do đó, các trường đại học phải đầu tư đúng, đủ khi có ý định mở ngành sức khỏe. Xã hội sẽ bớt băn khoăn việc các trường đại học mở ngành khoa học sức khỏe quá dễ dàng như hiện nay”, bác sĩ Tùng nói.

Ở các nước tiên tiến hay nước phát triển, việc kiểm định chương trình đào tạo y khoa dựa vào một bộ tiêu chuẩn của WFME (Liên đoàn giáo dục y khoa thế giới). Nhiều quốc gia trong khu vực đã có trung tâm kiểm định chương trình dạy y khoa được WFME công nhận.

Nếu Việt Nam xây dựng được bộ tiêu chuẩn kiểm định này và được WFME công nhận, thì nguồn nhân lực y tế các trường đai học nước ta đào tạo sẽ sát với trình độ các nước. Điều này giúp bằng cấp y khoa của Việt Nam sẽ được các nước công nhận. Đây là giải pháp thay đổi việc kiểm định chương trình đào tạo y khoa để được hội nhập với các nước trên thế giới, vị bác sĩ này đề xuất thêm.

Minh Thảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mo-nganh-suc-khoe-tran-lan-noi-lo-chat-luong-dau-ra/