Mộ nghĩa quân Trương Định - nơi ghi dấu sự kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm
Theo Quốc lộ 50 từ TP. Mỹ Tho hướng về Gò Công, đi khoảng 52 km là đến Ao Dinh - nơi Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết ngày 20-8-1864, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận một trong các địa điểm khởi nghĩa Trương Định là Di tích Quốc gia đặc biệt. Cách đó không xa (khoảng 200 m) là miếu thờ Trương Định và các ngôi mộ nghĩa quân của ông (ở ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) nằm cặp đường huyện 02 theo hướng từ xã Gia thuận đi xã Tân Phước.

Bia lưu niệm nghĩa quân Trương Định.
Sau khi Trương Định hy sinh, người dân nhớ công ơn của ông đã lập miếu thờ trên phần đất công điền. Ban đầu, miếu được xây dựng bằng gỗ tạp, lợp lá, sau đó người dân đóng góp tiền của, vật lực để xây dựng lại bằng bê tông cốt thép.
Từ khi xây dựng đến nay, miếu thờ này đã trải qua 4 lần sửa chữa vào các năm 1970, 1971, 1982, 2018. Và gần đây nhất, năm 2023, chính quyền địa phương và nhân dân đã trùng tu, tôn tạo ngôi miếu và xây thêm Bia lưu niệm nghĩa quân Trương Định.
Ngôi miếu được xây dựng trên phần đất có diện tích 211,6 m2, xung quanh được bao bọc bởi hàng rào lưới B40. Qua cổng là phần mái che tiền chế được lợp bằng tole, nền lót gạch bông với diện tích xây dựng 63,18 m2.
Cửa chính miếu thờ làm bằng sắt, phía trên cửa gắn biển bằng xi măng ghi “Đền thờ Trương Công Định”. Hai cột trước có câu đối “Gò Công Trương vì nước bỏ mình/Tân Phước Định vì dân tuẫn tiết”. Hai bên hông là hai hàng cột, mỗi bên 3 cây.
Bên trong miếu là 3 bàn thờ bằng xi măng cốt thép: Bàn thờ chính đặt di ảnh Trương Định, bên trên ảnh có biển bằng gỗ ghi dòng chữ “Bình Tây Đại Tướng quân Trương Công Định”, bên trái là bàn thờ Tả quân chi vị, bên phải là bàn thờ Hữu quân chi vị.
Bên cạnh miếu thờ là Bia lưu niệm được xây bằng bê tông, cốt thép ốp đá hoa cương, có diện tích 5,2 m2, chính giữa bia ghi nội dung: “Di tích lịch sử Mộ nghĩa quân Trương Định, ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang”.
Cuộc khởi nghĩa của Trương Định và nghĩa quân là một cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nơi đây nghĩa quân thân tín của Trương Định đã chiến đấu anh dũng và hy sinh cùng thời gian Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (ngày 20-8-1864) tại Ao Dinh và được nhân dân chôn cất nằm phía trước miếu thờ cách Ao Dinh khoảng 200 m. Mộ bằng đất, núm tròn, không bia, chỉ có trụ đá ong làm dấu, hiện tọa lạc tại ấp 3, xã Tân Phước.
Ao Dinh và các ngôi mộ nghĩa quân tại ấp 3, xã Tân Phước là những di tích quan trọng trong cụm Di tích khởi nghĩa Trương Định ở Gò Công. Cụm di tích là vật chứng cho sự kiên cường, tinh thần bất khuất của Trương Định và nghĩa quân của ông trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược giữa cuối thế kỷ XIX. Di tích mộ nghĩa quân Trương Định được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định 09 ngày 15-2-2000.
Trước đây, phần mộ nằm rải rác trong khu đất ruộng hoang hóa. Sau này do người dân ban đất canh tác và ngập úng nên các ngôi mộ bị sạt lở, dấu vết mờ nhạt theo thời gian. Nhưng theo những người dân xung quanh di tích nghe các vị tiền nhân kể lại, thì đây là các ngôi mộ nghĩa quân Trương Định bị thực dân Pháp bắt, sau đó địch dụ dỗ không được và mang ra chém ngay giữa đồng trống trong trận tập kích của quân Pháp ngày 20-8-1864.
Hằng năm, đến ngày 20-8, chính quyền và nhân dân tổ chức Lễ dâng hương tại Ao Dinh và ngôi miếu gần khu vực các ngôi mộ nghĩa quân Trương Định để ghi nhớ công ơn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của Trương Định và nghĩa quân đã chiến đấu dũng cảm, quyết không đầu hàng giặc.