Mở nhiều ngành học mới, đáp ứng nhu cầu thị trường

Nhiều trường đại học đã đưa ra đề án tuyển sinh và dự kiến sẽ mở các chương trình, ngành học mới nhằm đáp ứng xu hướng và yêu cầu phát triển mới của đất nước. Nhiều cơ sở giáo dục đại học năm nay không chỉ tập trung các ngành chuyên sâu, truyền thống, mà còn mở rộng, đa dạng hóa các ngành, lĩnh vực.

Năm 2025, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh đại học gồm: xét tuyển thẳng; qua kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cơ sở đào tạo này chia sẻ, đã xác định các lĩnh vực then chốt cần được tập trung trong công tác đào tạo và tuyển sinh gồm: công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và các ngành đào tạo liên ngành, liên trường. Đây cũng là các nhóm ngành then chốt để tuyển sinh định hướng đào tạo năm 2025 của nhà trường. Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đang nghiên cứu các ngành đào tạo mới liên quan đến năng lượng tái tạo, điện hạt nhân phục vụ chiến lược phát triển quốc gia về năng lượng điện, logistics mới cung cấp nhân lực phục vụ vận hành hệ thống đường sắt đô thị (Metro), sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh dự kiến mở thêm 6 ngành học mới. Trong đó đáng chú ý, có một ngành khá mới mẻ so với các chương trình đào tạo lâu nay của trường là “dinh dưỡng và khoa học thực phẩm”. Tương tự, trường Đại học Tài chính - Marketing sẽ mở thêm 3 ngành mới là ngành kiểm toán, quản lý kinh tế và khoa học dữ liệu, nâng tổng số ngành tuyển sinh của trường lên 18. Trường xét tuyển theo tổ hợp 3 môn bất kỳ với môn Toán là bắt buộc. Theo lãnh đạo nhà trường, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025 sẽ ổn định như các năm qua để tăng cường chất lượng đào tạo, lấy người học là trung tâm.

Một số trường thuộc nhóm đào tạo nghề cũng không nằm ngoài xu hướng. Đơn cử, trường Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn cũng đã triển khai kế hoạch mở thêm các ngành học mới của khoa Truyền thông báo chí gồm: báo chí, quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, marketing, thiết kế đồ họa, công tác xã hội. Theo đại diện nhà trường, sự phát triển của công nghệ thông tin và các ứng dụng giải trí, nghe nhìn các những ngành liên quan truyền thông, giải trí, cung cấp tin tức dự kiến sẽ tạo ra nhiều việc làm trong tương lai gần.

Nhiều ngành học mới, nhưng thí sinh nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định

Nhiều ngành học mới, nhưng thí sinh nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định

Bên cạnh đa dạng hóa ngành học, các trường cao đẳng cũng mạnh dạn thay đổi kết cấu chương trình nhằm trang bị cho người học kỹ năng tay nghề đáp ứng nhu cầu công việc. Nhiều chương trình được cập nhật với thời lượng 30% lý thuyết và 70% thực hành. Đồng thời, các chương trình cao đẳng được yêu cầu vừa đáp ứng được thực tiễn xã hội, vừa phải mang tính liên thông lên bậc cao hơn (đại học). Ngoài ra, hiện nay, trong quá trình đào tạo, các trường cao đẳng chú trọng việc sớm đưa sinh viên đi thực tập, thực tế từ năm thứ 2, thứ 3 tại các doanh nghiệp nhằm trang bị kỹ năng phù hợp. Tại doanh nghiệp, các sinh viên sẽ được tiếp cận với những trang thiết bị thực tế, được học nguyên tắc, kỷ luật, văn hóa làm việc. Như vậy, sẽ đào tạo được những sinh viên chất lượng, đáp ứng được yêu cầu công việc và doanh nghiệp không mất thời gian để đào tạo lại.

Cần phải nhìn nhận rằng, việc mở thêm ngành, đa dạng hóa chương trình đào tạo là rất cần thiết khi trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Dù vậy, bên cạnh các cơ sở giáo dục nghiên cứu kỹ lưỡng, không ít trường đại học đã vội vã, chạy theo thị hiếu mà mở các ngành học trái với chức năng/thế mạnh đào tạo và đang gây không ít gây lo ngại về khâu kiểm định chất lượng. Theo các chuyên gia, những ngành mới mở với những giới thiệu hấp dẫn, dễ thu hút thí sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, người học chưa có căn cứ kiểm chứng chất lượng đào tạo. Các yếu tố về cơ hội việc làm, thu nhập, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động chưa được đánh giá đầy đủ. Những vấn đề này nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng đào tạo ồ ạt, lãng phí nguồn lực nhà trường và xã hội cũng như tiền bạc và thời gian của người học.

Đối với học sinh năm lớp 12 chuẩn bị bước chân vào đại học trong năm 2025, TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có lời khuyên, không nên nóng vội chạy theo những ngành nghề mới mà cần hiểu rõ bản thân, xem thế mạnh của mình; đồng thời cần tìm ra những trường có khả năng đào tạo tốt nhất trong lĩnh vực mình quan tâm. Học sinh khi chọn trường cũng nên biết về cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy của trường và triển vọng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, đây là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội việc làm và sự nghiệp tương lai của người học.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/mo-nhieu-nganh-hoc-moi-dap-ung-nhu-cau-thi-truong-159783.html