Mở phiên đấu thầu vàng: Thị trường vàng có 'hạ nhiệt'?
Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo chính thức về phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC. Theo đó, thời gian tổ chức đấu thầu là 10h ngày 22/4, địa điểm tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (Ngân hàng Nhà nước). Liệu thị trường vàng trong nước có 'hạ nhiệt' sau phiên đấu thầu này?
Từng có 76 phiên đấu thầu vàng miếng
Mục tiêu đấu thầu vàng miếng là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc Ngân hàng Nhà nước quyết định phiên đấu thầu vàng miếng SJC vào thứ hai tuần tới (22/4), nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một động thái cần thiết giúp ổn định thị trường vàng trong nước, đồng thời đưa giá kim loại quý này về sát hơn với thế giới. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm, cơ quan này khởi động lại kênh đấu thầu vàng miếng.
Ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, việc đấu thầu vàng sẽ tăng nguồn cung cho thị trường. Cũng theo ông Tuấn, công tác chuẩn bị cho phiên đấu thầu vàng miếng SJC đã rất kỹ lưỡng. Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu vàng miếng SJC từ nguồn đã có sẵn trong kho.
Cụ thể, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu lần này là 16.800 lượng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Hình thức đấu thầu là theo giá. Tỉ lệ đặt cọc là 10%. Giá tham chiếu đặt cọc là 81,80 triệu đồng/lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng. Khối lượng tối đa được phép đặt thầu là 20 lô, tương đương 2.000 lượng.
Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng. Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố. Ngân hàng Nhà nước lưu ý trường hợp không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu, Ngân hàng Nhà nước quyết định hủy kết quả thầu.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có 26 đơn vị, bao gồm ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.
Trước đó, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013.
Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng miếng, với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.
Có nên cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng?
Thời điểm này, nhiều người quan tâm là liệu sau phiên đấu thầu vàng miếng này, thị trường vàng trong nước có “hạ nhiệt”? Giới chuyên gia vàng đánh giá, hiện thị trường vàng Việt Nam khá nhỏ, không lớn như trước đây. Bởi vậy, trong đợt đấu thầu vàng sắp tới, Ngân hàng Nhà nước cung ra thị trường tổng cộng khoảng 20.000 lượng vàng là đủ "hạ nhiệt" thị trường.
Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng Ngân hàng Nhà nước chỉ cần tung ra thị trường mỗi phiên 5.000 - 10.000 lượng vàng là đủ hạ nhiệt thị trường. “Khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu, giá vàng miếng SJC sẽ giảm mạnh", ông Khánh nhận định.
Còn ông Lê Trí Thông - Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nêu quan điểm: Việc đấu thầu này sẽ giúp hạn chế tình trạng độc quyền vàng miếng, giúp ngành có tính thị trường nhiều hơn. Từ đó, sự chênh lệch giá giữa trong nước và thế giới có thể được rút ngắn. Doanh nghiệp cũng mới chỉ biết chủ trương chứ chưa nắm thông tin cụ thể.
Từ góc độ của mình, TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhìn nhận việc đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp có thể tạo ra tác động tâm lý trong ngắn hạn. Trong khi xóa bỏ chênh lệch vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại, đó là giải pháp căn cơ và theo thông lệ quốc tế. Tức sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.
Về những lo ngại về ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối, vị chuyên gia cho rằng điều này ảnh hưởng không quá lớn. “Thực tế, vàng nhập lậu xảy ra thời gian qua cũng cần đến ngoại tệ. Hơn nữa, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước tính không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác. Vì vậy, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng", vị chuyên gia nêu quan điểm.
Vậy đâu là cách làm có tính căn cơ, dài hạn? Theo ông Nghĩa, cách làm đúng vừa có giá trị ngắn hạn lẫn dài hạn, phù hợp thông lệ quốc tế, dễ kiểm soát là cho các công ty đủ điều kiện nhập khẩu, xuất khẩu vàng và kiểm soát bằng thuế.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cũng cho rằng, đấu thầu vàng là giải pháp "chữa cháy" trong ngắn hạn và cần thêm nhiều bước đi khác, gồm phương án dài hạn khi sửa đổi Nghị định 24.
Nghị định 24 quy định chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, Nghị định này cũng cho phép Ngân hàng Nhà nước có thể ủy quyền cho đơn vị nào đủ khả năng nhập vàng nguyên liệu về để chế tác vàng nữ trang, vàng 9999. Vì thế, ngoài đấu thầu vàng miếng để tăng cung, khi sửa đổi Nghị định 24, cần bỏ độc quyền vàng SJC, bỏ độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để thị trường dễ dàng hơn.
“
Xử lý hơn 110 vụ liên quan hoạt động kinh doanh vàng
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng bảo đảm thị trường vàng hoạt động “an toàn, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả”, thời gian qua, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng xử lý nghiêm các vi phạm để đưa thị trường dần ổn định.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình cho biết, trước diễn biến của thị trường vàng, ngay từ cuối năm 2023, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước tăng cường kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng vàng. Trong quá trình kiểm tra, đã xác định một số hành vi vi phạm liên quan đến niêm yết giá, sản phẩm không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa (không ghi tên hàng hóa), không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ... Ngoài ra là các vi phạm về điều kiện kinh doanh, có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử…
Tổng cục Quản lý thị trường cũng thông tin thêm, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra 130 vụ việc liên quan tới hoạt động kinh doanh vàng, xử lý 110 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là trên 2,2 tỷ đồng...
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đội quản lý thị trường, các cục quản lý thị trường địa phương thực hiện quyết liệt hơn nữa việc kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, đặc biệt là các vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng mặt hàng vàng hoặc đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Bình khẳng định.