Mở phòng bay lắc ngay tại bệnh viện: Cần làm rõ dấu hiệu làm giả hồ sơ tâm thần cho người bệnh?
Với cung cách hoạt động chuyên nghiệp, hết sức tinh vi của Nguyễn Xuân Quý kẻ cầm đầu đường dây mua bán ma túy trong Bệnh viện Tâm thần trung ương I, khó có thể tin Quý có tiền sử bệnh tâm thần và đang là bệnh nhân điều trị tâm thần.
Bởi vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra cần mở rộng vụ án để làm rõ dấu hiệu làm giả hồ sơ tâm thần cho người bệnh tại đây - Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) cho biết.
Nghi can cầm đầu đường dây ma túy trong biện viện Nguyễn Xuân Quý bị cơ quan điều tra bắt giữ
Ngày 31/3, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội vừa triệt phá thành công đường dây mua bán ma túy do một người có tiền sử bệnh tâm thần cầm đầu, biến Bệnh viện Tâm thần trung ương I thành nơi giao dịch mua bán ma túy.
Cụ thể, nghi can cầm đầu đường dây này là Nguyễn Xuân Quý vào điều trị tại Bệnh viện từ tháng 11/2018. Trong thời gian điều trị, Quý nhiều lần ra khỏi bệnh viện, đầu tháng 1/2021 bị Công an quận Hai Bà Trưng bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, nhưng do có bệnh án tâm thần nên được trả về bệnh viện để điều trị.
Kết quả điều tra xác định do thời gian ở bệnh viện lâu, Quý đã tạo quan hệ thân thiết với một số cán bộ tại đây và được tạo điều kiện tự do đi lại, sinh hoạt, bố trí ăn ở theo nhu cầu.
Quý đã cải tạo phòng điều trị thành một phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laze để phục vụ việc sử dụng trái phép chất ma túy. Thậm chí, Quý cùng đàn em mời bạn bè, trong đó có cả cán bộ bệnh viện sử dụng ma túy ngay tại đây.
Đặc biệt, Quý tổ chức mua bán ma túy ngay tại bệnh viện với cung cách hoạt động hết sức tinh vi. Bố trí các đàn em ngụy trang thành lái xe taxi, xe ôm công nghệ túc trực tại cổng bệnh viện làm nhiệm vụ cảnh giới và đi giao ma túy.
Căn cứ tài liệu trinh sát, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã lập ban chuyên án và triệt phá thành công đường dây ma túy này.
Cơ quan điều tra đã bắt giữ Nguyễn Xuân Quý, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Trung Nguyên và hai người khác để điều tra về các hành vi mua bán, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Năm 2018, vụ việc đường dây làm giả bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho hàng chục đối tượng hình sự có sự “nhúng chàm” của các bác sĩ, nhân viên y tế hòng giúp tội phạm trốn tránh pháp luật.
Cụ thể, tháng 6/2018, đối tượng Lê Thanh Tùng (SN 1986, thường trú ở phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), một đối tượng cầm đầu nhóm người gây ra cuộc ẩu đả có tính chất băng nhóm thanh toán lẫn nhau bị Công an Hà Nội điều tra, xét hỏi. Tùng đã trình ra một bệnh án tâm thần (BATT) do Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cấp. Nghi vấn, Công an đã điều tra, xác định đó là BATT giả. Tùng khai đã chi 85 triệu đồng để có bệnh án với kết luận “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”.
Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam 2 cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I là bác sĩ chuyên khoa II Thân Thái Phong, Phó trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng, khoa Dinh dưỡng.
Đặc biệt, Cơ quan Điều tra đã yêu cầu rà soát 94 hồ sơ bệnh án, trong đó có tới 41 hồ sơ là của các đối tượng giang hồ. Cho thấy có đường dây “chạy bệnh án” cho các đối tượng phạm pháp hình sự nhằm trốn tránh việc xử lý của cơ quan pháp luật.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lí, Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) cho biết: Bộ luật quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều này được hiểu rằng khi một người phạm tội mà có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần thì cơ quan cảnh sát điều tra buộc phải đưa người đó đi giám định tâm thần. Tại khu vực phía Bắc thì Viện pháp y tâm thần Trung ương là cơ sở y khoa hàng đầu thực hiện việc giám định. Tại Kết luận giám định pháp y tâm thần sẽ xác định người đưa đi giám định có bị tâm thần hay không, thể bệnh gì, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi tại thời điểm phạm tội hay không.
Nếu Kết luận giám định khẳng định tại thời điểm phạm tội bệnh nhân mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì điều đó đồng nghĩa với việc người này không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mình thực hiện. Kết luận giám định như "kim bài miễn tử", "lệnh bài" tránh được mọi tù tội dù tày đình đến đâu.
Chính vì vậy có nhiều đối tượng phạm tội đã bỏ tiền, vật chất mua chuộc câu kết với người có thẩm quyền để làm ra các giấy chứng nhận tâm thần để chạy tội.
Người đang mắc bệnh tâm thần đang chữa trị thì phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chữa bệnh của Bệnh viện. Thực sự dư luận vô cùng bàng hoàng, phẫn nỗ trước việc một bệnh nhân đang chữa trị bệnh tâm thần mà còn được tạo điều kiện sử dụng, mua bán ma túy, xây dựng phòng bay, lắc trong chính cơ sở chữa bệnh.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phát hiện ra hành vi tàng trữ, vận chuyển mua bán ma túy. Trong quá trình đấu tranh mở rộng vụ án chắc chắc sẽ có việc xác định người chữa bệnh có bị tâm thần hay không? Nếu quá trình trưng cầu giám định lại xác định không bị mắc bệnh tâm thần thì người này phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mình đã thực hiện.
Cơ quan cảnh sát điều tra cũng cần mở rộng vụ án để xác định ngoài trường hợp nêu trên thì tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I còn có bao nhiêu trường hợp có kết quả giám định tâm thần giả mạo hồ sơ tâm thần cho người bệnh.
Phải xử lý nghiêm minh với những trường hợp lợi dụng chuyên môn nghiệp vụ để trục lợi, làm sai lệch kết quả giám định, tiếp tay cho các đối tượng giả bệnh, mua bán bệnh án tâm thần nhằm đối phó với các cơ quan pháp luật.
Bên cạnh đó Bộ Luật Hình sự 2015 quy định tại điều 382 quy định, người làm công tác giám định tâm thần nếu cố tình cung cấp sai sự thật tài liệu, khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì có thể bị phạt tù từ 3-7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Về trách nhiệm đối với người sử dụng hồ sơ giả, nếu họ có mục đích dùng hồ sơ để trốn tránh việc bị xử lý về hành vi vi phạm pháp luật (thì có thể bị xem xét theo tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” (Điều 341 BLHS năm 2015).