Mở ra bước ngoặt lớn cho quá trình xây dựng, tiếp cận chính sách
Đánh giá về kết quả của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, các đại biểu khẳng định, Diễn đàn đã thực sự trở thành trung tâm thông tin dữ liệu đa chiều, toàn diện, có hàm lượng khoa học cao về kinh tế - xã hội, mở ra bước ngoặt lớn cho quá trình xây dựng và tiếp cận chính sách.
ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (TP. Hải Phòng):
Sẽ mở ra bước ngoặt lớn trong việc xây dựng và tiếp cận chính sách
Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, có thể thấy, bên cạnh những khó khăn, thách thức, chúng ta cũng đang có những cơ hội rất lớn. Do đó, việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” hoàn toàn đúng và trúng.
Bởi, đây là hai vấn đề rất cốt lõi và quan trọng trong bối cảnh nước ta tiếp tục bước vào giai đoạn mới của quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, tình hình quốc tế dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường. Với vai trò của mình, Quốc hội không chỉ là cơ quan lập pháp, mà còn đóng góp chính trong việc tạo ra những bước ngoặt về mặt chính sách, thể chế hóa những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để thúc đẩy khát vọng vươn lên trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.
Thông qua chủ đề của Diễn đàn lần này, đặc biệt là phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chúng ta thấy rất rõ tư tưởng và định hướng của Đảng và Nhà nước ta đối với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trong đó, bên cạnh việc đánh giá những thành tựu lớn đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, thách thức cho nền kinh tế hiện nay. Tôi đánh giá rất cao nội dung này, bởi chỉ khi chúng ta nhận diện rõ thách thức, khó khăn mới có thể tìm ra giải pháp đúng đắn cho ngắn hạn trước mắt cũng như lâu dài. Bên cạnh đó, sự tham gia của các chuyên gia quốc tế uy tín cũng như những trao đổi chuyên sâu của họ tại Diễn đàn cũng là yếu tố góp phần lan tỏa thông tin và kết quả của Diễn đàn ở mức độ toàn cầu.
Chính vì vậy, tôi cho rằng, Diễn đàn sẽ mở ra bước ngoặt lớn trong việc xây dựng và tiếp cận chính sách trong thời gian tới. Thực tế thời gian qua Quốc hội cũng tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều chính sách, đạo luật, chiến lược, quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia; sửa đổi những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, tháo gỡ những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển. Đồng thời, cơ bản xây dựng được khung khổ luật pháp, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; sửa đổi hệ thống luật pháp và chính sách thuế, phí, lệ phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tôi tin tưởng, với việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách một cách đầy đủ, rõ ràng, chúng ta sẽ huy động được nguồn nội lực chưa khai phá hết, tạo được sức bật mới cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng:
Cung cấp lượng thông tin lớn, đa chiều và có hàm lượng khoa học cao
Tiếp nối thành công của các Diễn đàn năm 2021, 2022, Diễn đàn năm nay đã chia sẻ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp thông qua đại diện của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội, và một số doanh nghiệp trực tiếp tham gia; chia sẻ giữa các chuyên gia trong nước và nước ngoài, giới học giả, nhà nghiên cứu, người hoạch định chính sách và cơ quan thực thi chính sách, cũng như các đối tượng thụ hưởng chính sách. Diễn đàn thực sự đã trở thành một trung tâm thông tin đa chiều, toàn diện, cung cấp lượng thông tin lớn, phong phú, đa chiều, hàm lượng khoa học cao.
Tôi rất tâm đắc với một số yêu cầu trong phát biểu bế mạc Diễn đàn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Theo đó, bên cạnh những thông điệp lớn, quan trọng rút ra từ Diễn đàn năm nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích thay đổi các hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư. Bên cạnh củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu thì cũng phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực, như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân… Đây là lời nhắc nhở với các đơn vị thực thi chính sách, pháp luật, trong đó có các Bộ, ngành quản lý ngành, lĩnh vực.
Tại Diễn đàn năm nay, các chuyên gia, diễn giả đã đưa ra yêu cầu về sự cần thiết bổ sung các chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay. Về vấn đề này, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, từ đó có thể có những điều chỉnh chính sách tài khóa cho phù hợp; vừa bảo đảm giải quyết các khó khăn cho nền kinh tế, vừa bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, trên tinh thần lợi ích hài hòa, còn rủi ro, khó khăn thì chia sẻ giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Khi nói đến kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, chúng ta nói rằng kênh tín dụng đang chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, nếu tính quy mô thị trường chứng khoán và quy mô thị trường trái phiếu hiện tại, thì các kênh này gần tương đương nhau. Riêng kênh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian vừa qua chịu tác động của những biến cố trong thị trường. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương trình Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức các tọa đàm, gặp gỡ doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kết nối họ với nhau, tạo thông tin thông suốt, tránh tâm lý hoang mang trên thị trường. Cũng trong tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã thiết lập kênh giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và đến nay đã có khoảng hơn 1.600 mã doanh trái phiếu doanh nghiệp đang được giao dịch trên thị trường với quy mô giao dịch hàng ngày vài nghìn tỷ đồng. Đây là kênh quan trọng để tạo sự thanh khoản trên thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường và củng cố niềm tin cho thị trường, giúp thị trường này phát triển. Thị trường có định hướng phát triển đúng, chúng ta sẽ phát triển thị trường vốn dài hạn thông qua thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu thay vì thị trường tín dụng mang tính ngắn hạn.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội Khóa XII và XIII, TS. Trần Du Lịch:
Phải có chế để huy động nguồn lực trong nước
Qua nội dung thảo luận tại Diễn đàn năm nay và trong phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ rõ 5 thách thức lớn, đồng thời nhấn mạnh “Trong nước, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm ca”. Nền kinh tế Việt Nam tuy có sự tăng trưởng tốt so với bối cảnh chung của thế giới và là một "điểm sáng", nhưng chúng ta cũng đang đứng trước thách thức rất lớn. Tôi cũng rất ấn tượng với phát biểu của đại biểu tham dự Diễn đàn rằng, “doanh nghiệp Việt Nam chưa bao giờ khó khăn như hiện nay và cần phải có chính sách mạnh mẽ hơn”.
Những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thời gian vừa qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp là tương đối nhiều, nhưng điều quan trọng là phải tạo ra môi trường kinh doanh để doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư, hoạt động. Chủ đề của Diễn đàn là “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”. Theo tôi, để tăng cường năng lực nội sinh phải chú trọng nâng cao vai trò của doanh nghiệp Việt. Hiện nay, chúng ta cần nguồn vốn nước ngoài, nhưng nội sinh của lực lượng doanh nghiệp nội địa là vô cùng quan trọng, do đó cần phải lưu tâm đến vấn đề bảo vệ thương hiệu, pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đồng thời, phải có những cơ chế để huy động nguồn lực trong nước, như tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Có thể nói, đây là một điển hình để huy động nguồn lực trong nước với các hình thức khác nhau. Như vậy, mới có thể hướng tới việc đầu tư công dẫn dắt, thu hút đầu tư tư nhân.
Cũng tại Diễn đàn năm nay, tôi thấy nội dung chi tiết của các phiên thảo luận chuyên đề cũng đề cập đến những vấn đề xã hội, như tình trạng lao động, tình trạng thất nghiệp, mất việc làm… Tất cả những điều này đang được đặt ra trong một bài toán lớn: Muốn tháo gỡ điểm nghẽn về nâng cao năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quản trị, thì phải tháo nút thắt từ thể chế.
Nhìn chung, sau Diễn đàn năm nay, những khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế nước ta đã được nhận diện kịp thời với nhiều giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp được đưa ra. Mong rằng các giải pháp này sẽ được cụ thể hóa và đi vào cuộc sống bằng những quyết sách của Quốc hội và Chính phủ để đáp ứng sự trông chờ, mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội.