Mở ra kỷ nguyên thiên văn học mới

Kính viễn vọng lớn nhất và mạnh nhất thế giới - James Webb (JWST) - được Mỹ phóng lên vũ trụ ngày 25-12 để thay thế kính viễn vọng Hubble vào dịp lễ Giáng sinh năm nay dự kiến mở ra kỷ nguyên mới trong thiên văn học.

Theo đài CNN, James Webb là dự án trị giá 10 tỉ USD do Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dẫn đầu với sự đóng góp của các cơ quan vũ trụ châu Âu và Canada.

Chi phí đầu tư này hoàn toàn xứng đáng vì những kiến thức mà James Webb sẽ mang lại, giống như Hubble từng phát hiện các mặt trăng xoay quanh sao Diêm Vương và chứng minh rằng hầu hết thiên hà có một lỗ đen siêu lớn ở lõi. Hubble cũng tạo ra bản đồ 3 chiều của vật chất tối trong vũ trụ.

James Webb thậm chí được kỳ vọng trả lời những câu hỏi mà Hubble chưa thể giải đáp. Nhờ thay đổi bước sóng ánh sáng, James Webb giúp hiểu sâu hơn về cách vũ trụ hình thành, đồng thời nhìn thấy các ngôi sao và thiên hà lớn hơn nhiều, thậm chí khi chúng sinh ra cách vụ nổ Big Bang (dẫn tới sự ra đời của vũ trụ khoảng 13,8 tỉ năm trước) 200 triệu năm.

Tên lửa Ariane 5 mang theo kính viễn vọng James Webb được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Guiana ngày 25-12. Ảnh: NASA

Tên lửa Ariane 5 mang theo kính viễn vọng James Webb được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Guiana ngày 25-12. Ảnh: NASA

Trước đó, Hubble chỉ chụp được ảnh của thiên hà "già" nhất tồn tại 400 triệu năm sau Big Bang. Các nhà phát triển dự án đặt mục tiêu nghiên cứu những ngày đầu vũ trụ hình thành - khoảng 100 triệu năm sau vụ nổ Big Bang.

Mở ra kỷ nguyên thiên văn học mới

Tựu trung, James Webb có thể nhìn thấy vũ trụ từ lúc còn là một khoảng trống tối và vô hình cho đến vũ trụ đầy sao bây giờ. Đó sẽ là bước tiến bộ to lớn đối với nền thiên văn học của con người.

Chưa hết, James Webb còn có khả năng "trực tiếp nhìn thấy một số hành tinh xoay quanh các ngôi sao xa xôi", mở ra hy vọng phát hiện các hành tinh giống trái đất cũng như trả lời câu hỏi "có phải nhân loại tồn tại duy nhất trong vũ trụ".

Quản trị viên NASA Bill Nelson ví James Webb như "cỗ máy thời gian", khám phá những điều "đáng kinh ngạc mà chúng ta không bao giờ tưởng tượng được". "Tầm nhìn" hồng ngoại của James Webb vượt khỏi các kính viễn vọng khác, có thể xuyên qua tấm màn khí và bụi vũ trụ dày để phát hiện các thiên thể chưa từng thấy.

Nếu kế hoạch suôn sẻ, trong 6 tháng tới, James Webb sẽ gửi về những hình ảnh ngoạn mục và dữ liệu của các hành tinh, ngôi sao, thiên hà lạ lẫm.

Phạm Nghĩa

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/mo-ra-ky-nguyen-thien-van-hoc-moi-20211226215607236.htm