Mở ra nhiều cơ hội việc làm ở Phần Lan cho chuyên gia, lao động kỹ năng, thời vụ
Với bản ghi nhớ vừa được ký kết, các chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề và lao động thời vụ Việt Nam sẽ có cơ hội sang làm việc ở Phần Lan theo quy trình tuyển dụng minh bạch và công bằng.
Theo Bản Ghi nhớ (MOU) hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ của Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan vừa được ký kết hôm nay 13/1, các bên tham gia sẽ nỗ lực thúc đẩy phát triển các quy trình tuyển dụng minh bạch và công bằng, đảm bảo rằng người lao động di cư không phải chịu bất kỳ chi phí không hợp lý hoặc không cần thiết nào. Nguyên tắc chi phí liên quan đến tuyển dụng và di chuyển sẽ do người sử dụng lao động chi trả.
Lao động làm việc ở Phần Lan có điều kiện làm việc tốt
Theo bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan, hai bên thống nhất thúc đẩy đưa chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề và lao động thời vụ Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan, đặc biệt tập trung vào các ngành, nghề thị trường lao động Phần Lan có nhu cầu cao và khả năng cung ứng của Việt Nam. Đầu mối thực hiện đối với bên tham gia Việt Nam là Cục Quản lý lao động ngoài nước (DOLAB) của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đối với bên tham gia Phần Lan thì đầu mối thực hiện Bản ghi nhớ này là Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam.
Bản ghi nhớ nêu rõ các bên tham gia nỗ lực thúc đẩy cơ hội việc làm tại Phần Lan cho công dân Việt Nam. Để đạt được mục đích này, các bên sẽ thông qua các cơ quan thực hiện có liên quan, tiến hành tuyên truyền thông tin về việc di chuyển, làm việc và sinh sống tại Phần Lan. Hai bên cam kết hướng dẫn và hỗ trợ các cơ quan tuyển dụng của Việt Nam và Phần Lan hợp tác một cách minh bạch, bền vững và hiệu quả theo đúng luật pháp và quy định hiện hành trong việc tuyển chọn và sử dụng lao động Việt Nam.
Tại lễ ký kết bản ghi nhớ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thông tin về nguồn nhân lực của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và cho biết trong những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam đưa gần 160.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (năm 2023 đưa 159.986 lao động, năm 2024 đưa gần 159.000 lao động) và hiện nay có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh với những ưu điểm về tuổi trẻ, chăm chỉ, thông minh, lao động Việt Nam ngày càng được tin tưởng của các doanh nghiệp trên thị trường lao động quốc tế, trong đó có Phần Lan. Từ cuối năm 2023 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chấp thuận đăng ký của 3 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ Việt Nam có hợp đồng cung ứng 134 lao động (trong đó có 65 nữ) đi làm việc tại Phần Lan. Đến nay đã có 55 lao động đi làm việc tại Phần Lan với thu nhập ổn định từ 1.500 đến 2.000 EUR/tháng, điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội khá tốt.
Giải quyết thiếu hụt nhân lực do già hóa dân số ở Phần Lan
Tại Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Phần Lan do Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 13/1 tại Hà Nội, đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và đại diện Thương vụ Phần Lan đã giới thiệu về chính sách cung ứng và tiếp nhận nguồn nhân lực giữa hai bên.
Một số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chia sẻ về khả năng đáp ứng công việc của lao động Việt Nam khi sang Phần Lan như: Tính cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn và khả năng nắm bắt nghề… và những hạn chế về ngoại ngữ và kỹ năng cần thiết khác…mà lao động Việt Nam cần bổ sung, tăng cường để có thể đáp ứng nhu cầu khi sang làm việc tại Phần Lan. Một số doanh nghiệp Phần Lan cũng chia sẻ về nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài đến Phần Lan làm việc trong các ngành nghề như: Công nghệ, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ…
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết cùng với việc đẩy mạnh công tác giáo dục nghề, tạo việc làm ở trong nước, Việt Nam có chủ trương đẩy mạnh công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Thời gian qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được nhiều thành tựu: Số lượng lao động tăng dần hàng năm; chất lượng, tín nhiệm đối với lao động Việt Nam không ngừng được nâng cao. Bước đầu lao động Việt Nam đã tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường lao động quốc tế.
“Việt Nam và Phần Lan có bề dày lịch sử hợp tác hơn 52 năm và ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Phần Lan có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, bù đắp thiếu hụt lực lượng lao động do già hóa dân số, trong khi Việt Nam là nước có dân số vàng, với mục tiêu giải quyết việc làm, đào tạo kỹ năng nghề, tác phong lao động công nghiệp cho người lao động. Diễn đàn hôm nay có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ hội cho chúng ta tăng cường hiểu biết về luật pháp và chính sách trong việc phái cử và tiếp nhận lao động nước ngoài của Việt Nam và Phần Lan cũng như nhu cầu tiếp nhận, sử dụng lao động Việt Nam của Phần Lan,” Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.
Ông Arto Olavi Satonen, Bộ trưởng Việc làm, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan cho biết Bản ghi nhớ (MOU) giữa Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam về hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ của Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan sẽ là một trong những giải pháp giúp Phần Lan giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực do già hóa dân số. Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng trong lĩnh vực lao động đối với Phần Lan.
“Phần Lan mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia nhằm giúp các các doanh nghiệp và chuyên gia quốc tế kết nối với nhau. Chúng tôi cam kết hỗ trợ các nhà tuyển dụng và chuyên gia để đảm bảo họ có điều kiện thuận lợi cho quá trình tuyển dụng thành công. Duy trì các tiêu chuẩn đạo đức và quy trình tuyển dụng suôn sẻ vẫn luôn là những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Phần Lan khẳng định tiếp tục là đối tác đáng tin cậy trong tuyển dụng quốc tế đồng thời mang lại chất lượng cuộc sống cao và nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng,” ông Arto Olavi Satonen nói./.