Mở ra triển vọng đầu tư mới cho vùng miền núi, dân tộc thiểu số
Hợp tác chiến lược giữa ISC và Vụ Hợp tác Quốc tế được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư vào khu vực miền núi, để 'không ai bị bỏ lại phía sau'.
Ngày 17/6 tại Hà Nội, Công ty TNHH Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC) và Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Ủy ban Dân tộc, đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài và tăng cường xúc tiến đầu tư tại các tỉnh miền núi của Việt Nam.
Theo thỏa thuận hợp tác đã ký kết, ISC và Vụ Hợp tác Quốc tế sẽ phối hợp chặt chẽ trong ba lĩnh vực then chốt:
Thứ nhất, đào tạo kiến thức pháp luật, kỹ năng quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài và nghiệp vụ xúc tiến đầu tư cho cán bộ các tỉnh miền núi; Thứ hai, chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các tỉnh miền núi; Thứ ba, tư vấn lẫn nhau trong các hoạt động liên quan đến hợp tác đầu tư quốc tế.
Phát biểu tại sự kiện, TS.Hoàng Văn Xô, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư nước ngoài trong phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
“Thực tế cho thấy đầu tư nước ngoài tại vùng dân tộc thiểu số chưa tương xứng với tiềm năng. Những hạn chế có tính chất “mềm” (về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm...) đã tác động, ảnh hưởng xấu đến tình hình/kết quả đầu tư nước ngoài. Để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát triển bền vững, ngoài các nguồn lực trong nước, cần nguồn đầu tư nước ngoài-một kênh thu hút đầu tư quan trọng”, TS. Hoàng Văn Xô chia sẻ.
Ông cũng cho biết: “Phát triển vùng dân tộc thiểu số luôn là chính sách ưu tiên xuyên suốt của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Sự hợp tác này sẽ góp phần mở ra cơ hội mới, thúc đẩy sự phát triển đa dạng và toàn diện cho vùng miền núi.”
Ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch ISC trích dẫn số liệu cho thấy Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số nằm ở 52 tỉnh thành phố, trên diện tích bằng 2/3 diện tích cả nước Việt Nam. Với 11,7 triệu người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 11% dân số cả nước.
“Tài sản lớn nhất của đồng bào dân tộc thiểu số, đó là trong 11 triệu người thì có tới 8 triệu người đến tuổi lao động. Vì vậy chúng tôi hướng tới xây dựng những chính sách về đào tạo, trang bị cho họ kiến thức cần thiết. Đồng bào thiểu số có thể làm tốt và thậm chí còn làm tốt hơn người Kinh nếu chúng ta trao cơ hội cho họ”, ông Phan Hữu Thắng nói thêm.