Mở rộng các lĩnh vực phản biện xã hội
Phản biện xã hội là một công việc, hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhưng cũng là một nội dung khó, đòi hỏi cần dành nhiều thời gian, công sức của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên.
Trong thời gian qua, Mặt trận các cấp đã nỗ lực triển khai phản biện xã hội đối với nhiều văn bản, chủ trương khác nhau của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương. Qua đó, góp phần quan trọng khẳng định ý nghĩa của công tác phản biện xã hội, vị trí của Mặt trận Tổ quốc, đồng thời giúp các cơ quan liên quan hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình trong xây dựng, ban hành chính sách.
Tại Đà Nẵng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố cho biết, vừa tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết của HĐND thành phố quy định mức thu phí tham quan khu danh thắng Ngũ Hành Sơn bằng hình thức đối thoại trực tiếp với Sở Tài chính, cơ quan chủ trì tham mưu dự thảo văn bản. Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã trao đổi dân chủ, thẳng thắn, tập trung thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý và sử dụng nguồn thu phí tham quan, trong đó xác định tỷ lệ phần trăm (%) để lại cho Ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, bảo đảm kinh phí duy tu, tôn tạo, sửa chữa thường xuyên khu danh thắng Ngũ Hành Sơn; số thu còn lại nộp về ngân sách thành phố.
Trong quá trình đối thoại, một số đại biểu băn khoăn về việc trích nộp bao nhiêu là phù hợp? Có ý kiến cho rằng cần phải thay đổi tư duy trong việc đầu tư, ứng xử với khu danh thắng xứng tầm là Di tích quốc gia đặc biệt, vì vậy cần tăng tỷ lệ để lại cho Ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn để đầu tư, sửa chữa. Các đại biểu nhấn mạnh, nên mở rộng, xem xét rà soát lại một cách tổng thể, toàn diện Dự thảo Nghị quyết để sửa đổi, bổ sung về mức thu, đối tượng thu, đối tượng miễn giảm nhằm kích cầu du lịch và phù hợp với các quy định hiện hành.
Tại hội nghị, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc thành phố ghi nhận các ý kiến của các đại biểu trên tinh thần cơ bản thống nhất với dự thảo. Bên cạnh đó sẽ xem xét việc đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá khách quan, rà soát toàn diện Nghị quyết để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đồng thời sẽ phối hợp nghiên cứu, kiến nghị thêm đến các cơ quan liên quan về nội dung cơ chế, tổ chức bộ máy của Ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn theo hướng trực thuộc Sở chuyên môn để xứng tầm với đơn vị quản lý Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2030. Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích thực trạng, phản biện nhiều nội dung quan trọng của chương trình. Trong đó đề nghị dự thảo cần chỉ rõ thực trạng và cơ cấu, chất lượng của nhà ở trên địa bàn thành phố; những thành tựu và các mặt hạn chế trong đầu tư xây dựng và trong quản lý nhà ở. Cần nêu cụ thể về dự báo dân số, nhà ở với định lượng “cứng” ở từng thời điểm, từ đó, căn cứ định hướng sàn nhà ở bình quân để tính nhu cầu tổng thể phát triển nhà ở thành phố, bởi số lượng dân, phân bố dân số, tỷ lệ đô thị hóa, mô hình đô thị tác động đến tính toán nhu cầu nhà ở và phân bố chỉ tiêu cho từng loại nhà ở. Ngoài ra, cần phân tích khoa học hơn để định hướng cụ thể cho từng loại hình nhà ở; bổ sung chính sách nhà ở với người có công và hộ thu nhập thấp.
Đồng thời, xác định mục tiêu xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng, tránh hiện tượng không thu hút người ở, chuyển nhượng tùy tiện và phải điều chỉnh như thực tế diễn ra vừa qua. Về nhà ở tái định cư, các đại biểu đề nghị cần bổ sung cơ chế tạo thuận lợi và thu nhập cho đối tượng giãn dân trong nội đô lịch sử. Về đối tượng thuê nhà, một số đại biểu cho rằng, cần xem xét các đối tượng là lao động tự do, vãng lai từ các tỉnh về Hà Nội kiếm sống. Ngoài ra, dự thảo cần phải tính đến nhiều giải pháp dự phòng để bảo đảm không bị ách tắc khi thực hiện…
Tại Thái Nguyên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh và dự thảo Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đây là những văn bản liên quan trực tiếp hoạt động của Mặt trận các cấp. Sau khi nghe trình bày tóm tắt nội dung dự thảo 2 nghị quyết, các đại biểu đã phản biện về việc nâng mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của xóm, tổ dân phố. Theo đó, dự thảo nghị quyết đưa ra đối với xóm, tổ dân phố loại 1 và các xóm thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự được hỗ trợ 12 triệu đồng/năm; xóm, tổ dân phố loại 2 được hỗ trợ 11 triệu đồng/năm; xóm, tổ dân phố loại 3 được hỗ trợ 10 triệu đồng/năm… là thấp, không thu hút được người tham gia vào công việc chung của xóm, tổ dân phố.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, cần bỏ thủ tục chấm công hỗ trợ kinh phí khoán để chi trả bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của xóm, tổ dân phố, vì gây phiền hà. Đồng thời, tăng biên chế cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường… Các đại biểu cũng nêu ý kiến cần tăng kinh phí cho bí thư chi bộ, tổ trưởng, Trưởng ban công tác Mặt trận các xóm, tổ dân phố; xem xét hỗ trợ phụ cấp cho Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi, Trưởng ban Thanh tra nhân dân cấp xã, phường; đề nghị hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với chi hội trưởng các chi hội đoàn thể xóm, tổ dân phố…
Trên đây là những hoạt động phản biện xã hội tiêu biểu trong rất nhiều hội nghị phản biện đã được Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai trong thời gian qua. Lĩnh vực được phản biện đã mở rộng và chất lượng phản biện từng bước được nâng lên. Tại các hội nghị phản biện, các cơ quan chức năng của địa phương đều cam kết sẽ có giải trình cụ thể đối với các ý kiến phản biện, góp ý, với mục tiêu cao nhất là sẽ ban hành được những chính sách, quy định phù hợp thực tế cuộc sống và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân ■
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dang-va-cuoc-song/mo-rong-cac-linh-vuc-phan-bien-xa-hoi-702742/