Mở rộng 'cánh cửa' hoàn lương
Công tác tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) đối với những người chấp hành xong án phạt tù là một chủ trương có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, toàn tỉnh đã chú trọng và cụ thể hóa chủ trương này bằng nhiều mô hình, hoạt động thiết thực. Qua đó, đã tiếp thêm niềm tin cho những người từng lầm lỡ phấn đấu, vươn lên ổn định cuộc sống và vững tin làm lại cuộc đời.
Đã từng vấp ngã, hơn ai hết những người lầm lỡ hiểu rõ giá trị của sự tự do nên họ càng cố gắng cải tạo, làm lại cuộc đời. Đã gần 3 năm kể từ khi anh Nguyễn Phú Cường, 27 tuổi, ở tổ 7, Phường Ngọc Hà (T.P Hà Giang) chấp hành xong án phạt tù vì tội cố ý gây thương tích. Ân hận về tuổi trẻ nông nổi, bốc đồng, anh Cường nỗ lực cải tạo và được tha tù trước thời hạn. Trở lại cuộc sống, mang trong mình nhiều nỗi mặc cảm, anh đã được chính quyền, lực lượng công an địa phương giúp đỡ để cân bằng lại cuộc sống. Đặc biệt, sau khi tham gia câu lạc bộ (CLB) “Vững bước” của phường đã giúp anh định hướng được kế hoạch phát triển kinh tế, sống hướng thiện. Năm 2019, anh được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho mượn 1 ao cá rộng trên 1.000 m2, anh đầu tư mua con giống, thả các loại cá, như: Bỗng, chép, rô phi… Vốn là người năng động, anh Cường mạnh dạn tiếp cận với các nguồn vốn vay, đầu tư 2 xe chở hàng và trở thành đại lý phân phối trứng gà tại Hà Giang cho Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát (Hà Nội). Quyết tâm vượt qua mặc cảm, làm giàu chính đáng; giờ đây, không chỉ có thu nhập ổn định, anh Cường còn tích cực giúp đỡ, chia sẻ với những người từng lầm lỡ phát triển kinh tế và tích cực nêu gương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Giống như anh Cường, 25 thành viên của CLB “Vững bước” phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang đã có 1 địa chỉ sinh hoạt lành mạnh, hữu ích. Đánh giá về hiệu quả của mô hình, Trung tá Phan Văn Việt, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an thành phố Hà Giang, cho biết: CLB “Vững bước” là môi trường sinh hoạt cho những người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tham gia; tại đây họ được đón nhận những sẻ chia, giúp đỡ từ cộng đồng. Sau hơn 6 năm thực hiện, mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, các thành viên đều đoàn kết phát triển kinh tế, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và không có đối tượng tái phạm. Từ mô hình, những người hoàn lương không chỉ yên tâm lao động, chí thú làm ăn, họ còn trở thành nhân tố tích cực trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn.
Năm 2020, toàn tỉnh có 663 người chấp hành xong án phạt tù. Để giúp những người chấp hành án trở về địa phương nhanh chóng xóa bỏ mặc cảm, làm lại cuộc đời, hoạt động xây dựng, nhân rộng mô hình, cá nhân điển hình về THNCĐ được đẩy mạnh. Hiện tại, các địa phương, hội, đoàn thể đã phối hợp với lực lượng công an duy trì hiệu quả 10 mô hình THNCĐ, như: “4 trách nhiệm” (Hoàng Su Phì), “2+1” (Bắc Quang), “Phát triển kinh tế gia đình đối với người chấp hành xong án phạt tù” (Quang Bình)… Xác định rào cản đầu tiên ảnh hưởng đến con đường trở lại đời thường của những người chấp hành xong án phạt tù chính là tâm lý tự ti, mặc cảm và sự kỳ thị; các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, nòng cốt là các CLB đã đổi mới công tác tuyên truyền, chú trọng nâng cao nhận thức của cộng đồng trong xóa bỏ thành kiến, kỳ thị. Qua đó, phần nào xóa bỏ được tâm lý mặc cảm, đồng hành với những người lầm lỡ phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống, làm lại cuộc đời. Từ hiệu quả thực tế và “sức sống” của các mô hình cũng phản ánh sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể trong công tác THNCĐ.
Công tác THNCĐ còn được đẩy mạnh thông qua các hoạt động giáo dục, tư vấn hướng nghiệp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong hình phạt tù. Hàng năm, UBND tỉnh đều dành 1 phần kinh phí để hỗ trợ công tác THNCĐ theo Luật Ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, Cấp ủy, chính quyền địa phương phân công cụ thể cho các đoàn thể, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời, thường xuyên gặp gỡ, nắm tâm tư, nguyện vọng, động viên những người chấp hành xong án phạt tù khắc phục khó khăn, hướng dẫn họ chấp hành pháp luật, thực hiện nghĩa vụ công dân. Đặc biệt, lực lượng công an đã chủ động phối hợp với Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các ngân hàng thương mại giúp đỡ họ tìm kiếm việc làm, tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Trong năm 2020, lực lượng công an đã hướng dẫn thủ tục đăng ký hộ khẩu cho 238 người, xóa án tích 238 người chấp hành xong án phạt tù. Có 1.186 trường hợp được cấp phiếu lý lịch tư pháp; có 235 người chấp hành xong án phạt tù được gia đình, cộng đồng giúp đỡ vươn lên…
Thông cảm, giúp đỡ và tạo cơ hội cho những người lầm lỡ có cơ hội THNCĐ là việc làm thể hiện truyền thống nhân đạo, nhân ái của dân tộc. Để từ đó, chính những người từng vi phạm pháp luật nay lại dũng cảm đứng trong hàng ngũ của những người đấu tranh với tội phạm và tệ nạn xã hội; góp phần ổn định tình hình an ninh, quốc phòng địa phương. Tuy nhiên, công tác THNCĐ là nhiệm vụ còn nhiều khó khăn và cần nhận được hỗ trợ tích cực từ nhiều phía để đạt hiệu quả cao. Do đó, các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là ưu tiên các nguồn vốn vay, giúp đỡ tạo việc làm để họ ổn định cuộc sống…
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202012/mo-rong-canh-cua-hoan-luong-770237/