Mở rộng chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, thời gian qua nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã khai thác hiệu quả đất đai, nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho nông dân.
Do đặc điểm địa hình, huyện Sóc Sơn có nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp đồi gò, thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước tưới. Vì thế, việc sản xuất nông nghiệp, nhất là những diện tích trồng lúa ở vùng cao, khó lấy nước tưới mang lại hiệu quả kinh tế thấp.
Ðể phát triển sản xuất, trong giai đoạn 2017-2020, huyện đã thực hiện chuyển đổi gần 530 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, gặp khó khăn về hệ thống tưới tiêu sang các loại cây trồng có giá trị như thảo dược, rau hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần trồng lúa. Trên địa bàn huyện từng bước hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung, như vùng trồng rau hữu cơ-rau an toàn VietGAP, rau công nghệ cao tại các xã Thanh Xuân, Tân Dân, Hiền Ninh; vùng trồng cây ăn quả tại các xã Phú Cường, Phú Minh; vùng trồng cây dược liệu, thảo dược tại các xã Bắc Sơn, Minh Trí, Xuân Giang…
Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Phòng Kinh tế UBND huyện Sóc Sơn, việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả vẫn còn chậm, mang tính tự phát, quy mô nhỏ. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng đất sản xuất, cũng như yêu cầu về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong giai đoạn 2021-2025, huyện có kế hoạch chuyển đổi khoảng 1.615 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, hoa, cây cảnh, cây dược liệu và nuôi trồng thủy sản.
Còn tại huyện Mê Linh, với diện tích khoảng 4.000 ha đất canh tác lúa, nhưng tình trạng người dân chỉ gieo cấy vụ xuân, bỏ vụ mùa thường xuyên diễn ra vào những năm trước, gây lãng phí đất sản xuất. Ðặc biệt, huyện có nhiều xã phát triển nghề trồng hoa truyền thống, rau màu, mang lại hiệu quả kinh tế cao dẫn đến người dân không mặn mà với trồng lúa. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, UBND huyện đã phê duyệt nhiều phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, điện sản xuất hỗ trợ người dân hình thành nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị cao như chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, trồng rau an toàn, cây ăn quả… Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất tập trung, huyện đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2021-2025, với định hướng chung là giảm diện tích đất lúa còn khoảng 1.500 ha.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong những năm qua nhiều quận, huyện, thị xã có diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giai đoạn 2017-2020, thành phố chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đạt hơn 7.760 ha. Năm 2021, thành phố đã chuyển đổi gần 380 ha trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cho giá trị canh tác trung bình từ 200 đến 300 triệu đồng/ha/năm trở lên; chuyển đổi hơn 236 ha trồng lúa sang trồng cây lâu năm, đạt giá trị canh tác từ 400 đến 700 triệu đồng/ha/năm; chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản hơn 530 ha, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà còn hạn chế tình trạng để hoang hóa đất nông nghiệp tại các vùng trũng thấp. Nhìn chung, việc chuyển đổi đất trồng lúa tại Hà Nội giữ vững an ninh lương thực, phát huy hiệu quả kinh tế và góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất cây trồng có thế mạnh, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Hiệu quả kinh tế rau màu, cây ăn quả sau chuyển đổi cao gấp từ năm đến sáu lần so với trồng lúa.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, căn cứ nhu cầu thực tiễn và hiệu quả sản xuất, năm 2022, thành phố tiếp tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng gần 1.890 ha đất trồng lúa, trong đó chuyển sang cây trồng hằng năm gần 580 ha; cây trồng lâu năm hơn 670 ha và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản gần 640 ha. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, hợp tác liên kết trong phát triển nông nghiệp; triển khai các dự án đầu tư xây dựng hỗ trợ các mô hình sản xuất để khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân ■