Mở rộng cơ hội liên kết đào tạo quốc tế

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam ở nước ngoài và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch Covid-19, một số trường trên cả nước đã triển khai nhiều phương án để tiếp nhận du học sinh. Đây là những tình huống ứng biến cho phù hợp với tình hình dịch bệnh, nhưng ở một góc độ khác có thể thấy rằng: Đây cũng là cơ hội để các ĐH trong nước mở rộng liên kết đào tạo quốc tế.

Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó trưởng Ban đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Hàng năm, ĐH Quốc gia Hà Nội có một tỉ lệ sinh viên quốc tế tương đối lớn đến theo học. Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có sinh viên Việt Nam trao đổi với nước ngoài, nên việc tiếp nhận du học sinh về nước học tập trong đợt này không quá bất ngờ và khó khăn. ĐH Quốc gia Hà Nội có Công văn chỉ đạo các trường ĐH thành viên, các khoa trực thuộc xây dựng, công bố từng chương trình, loại hình đào tạo và hướng dẫn chi tiết để sinh viên lựa chọn.

Đại diện trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết: Sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ tất cả các sinh viên, lưu học sinh tại nước ngoài về nước học tập với 12 chương trình dạy bằng tiếng Anh, chủ yếu là các ngành mũi nhọn trong lĩnh vực khoa học công nghệ, 10 chương trình liên kết quốc tế với 4 ngôn ngữ giảng dạy là: Anh, Pháp, Đức, Nhật. Nhà trường hướng dẫn chi tiết về chương trình và thủ tục cho sinh viên, đồng thời cung cấp cho lưu học sinh các hình thức học như: Chuyển trường, thi tuyển đầu vào căn cứ vào các tín chỉ đánh giá năng lực theo các tổ chức khảo thí quốc tế như: SAT, ALEVEL hoặc sinh viên chỉ học ở Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội một thời gian (một học kỳ chẳng hạn) để nhận được chứng chỉ hoàn thành chương trình học.

Tương tự, trường ĐH Ngoại thương cũng cung cấp các cơ hội cho du học sinh như: Có thể học tập ngắn hạn tại trường (từ 1 kỳ đến 1 năm), được tham gia học tập 15 chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài như: Tiếng Anh, Nhật, Pháp, Trung Quốc. Bên cạnh đó, có 9 chương trình cử nhân, 5 chương trình thạc sĩ đào tạo với nước ngoài. Sau khi được đào tạo ngắn hạn, sinh viên sẽ nhận được các tín chỉ và được công nhận đối với các trường mà các du học sinh đang theo học tại nước ngoài. Vì vậy, khi dịch bệnh được kiểm soát thì các du học sinh có thể quay trở lại học tại nước ngoài. Ngoài ra, các du học sinh có thể quyết định học tại Việt Nam để lấy bằng được đào tạo liên kết với nước ngoài.

Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TP HCM sử dụng phương thức 5 trong các phương thức tuyển sinh để hỗ trợ du học sinh. Theo TS Hà Việt Uyên Synh - Trưởng Phòng Đào tạo nhà trường, phương thức tuyển sinh 5 dành để xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tú tài quốc tế hoặc tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài.

Theo đó, IU sẽ xem xét, tiếp nhận các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, đủ điều kiện tiếp tục học tập vào chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Nhìn ở góc độ tích cực, các chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 đã mang đến cơ hội để các trường ĐH Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế nói chung và liên kết đào tạo nói riêng. Ảnh: P.T

Nhìn ở góc độ tích cực, các chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 đã mang đến cơ hội để các trường ĐH Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế nói chung và liên kết đào tạo nói riêng. Ảnh: P.T

Mở rộng cơ hội hợp tác và liên kết

Nhìn ở góc độ tích cực, các chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 đã mang đến cơ hội để các trường ĐH Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế nói chung và liên kết đào tạo nói riêng. Tiến tới công nhận văn bằng, chứng chỉ của nhau. Qua đó, tạo thuận lợi cho du học sinh Việt Nam và người nước người có nhu cầu học tập tại Việt Nam và không bị gián đoạn quá trình học tập.

Hiện Việt Nam có 70 cơ sở giáo dục ĐH cung cấp chương trình giáo dục quốc tế, 600 chương trình liên kết đào tạo (trong số này Bộ GD&ĐT đã rà soát và chỉ để lại 352 chương trình hoạt động). Số lượng sinh viên Việt Nam đang học tại nước ngoài khoảng 192.000. Số sinh viên quốc tế đến Việt Nam học trong 5 năm qua mỗi năm tăng 10%. Như vậy, nhu cầu liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế của giáo dục ĐH trong nước thời gian tới rất lớn.

Quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, cho biết: “Hiện các quy định đã cho phép các trường công nhận tín chỉ của nhau, sinh viên được chuyển từ trường này sang trường khác miễn là hai trường đồng ý và đầu vào nhập học của sinh viên không được thấp hơn so với điều kiện tuyển sinh đầu vào của trường. Việc các sinh viên được luân chuyển trong hệ thống hay sinh viên từ nước ngoài về học đều đã có quy định. Đây là cơ hội cho ĐH ở Việt Nam”.

Để làm được điều này cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng chương trình liên kết đào tạo. Mà muốn làm được điều đó, năng lực ngoại ngữ của giảng viên và sinh viên trong nước phải được nâng cao hơn.
Tại Hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Học sinh, sinh viên và giáo viên cần nâng chuẩn trình độ ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh. Vì khi liên kết quốc tế, không chỉ có giáo viên Việt Nam mà có cả giáo viên nước ngoài giảng dạy. Do đó, các trường cần đầu tư và tạo động lực cho giáo viên nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đang thúc đẩy các trường ĐH ở Việt Nam xây dựng các chương trình giáo dục quốc tế, chương trình liên kết, đón du học sinh về nước học và sinh viên quốc tế sang, thực hiện tốt vấn đề này, kết quả không đơn giản là việc sinh viên, học sinh không bị gián đoạn mà sự hợp tác quốc tế, liên kết quốc tế của các ĐH trong nước sẽ mở rộng hơn, kinh nghiệm, các chương trình liên kết, hợp tác uy tín sẽ càng được nhận rộng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH trong nước.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mo-rong-co-hoi-lien-ket-dao-tao-quoc-te-206484.html