Mở rộng Đà Nẵng thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, bản sắc, bền vững
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng tại Lễ công bố Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển TP Đà Nẵng, tổ chức sáng 29-3 tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng.
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng tại Lễ công bố Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển TP Đà Nẵng, tổ chức sáng 29-3 tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng.
Dự lễ có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Nam; lãnh đạo TP Đà Nẵng và đại diện các sở, ban, ngành, quận, huyện; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ quan ngoại giao, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đây là một trong những sự kiện quan trọng của thành phố nhân kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2021).
Tại buổi lễ, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã cung cấp thông tin về Nghị định triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của TP Đà Nẵng; Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố; Quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu; Chủ trương cho phép nghiên cứu, lập Đề án Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực; Thông tin một số chủ trương về giá đất trên địa bàn thành phố.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến dự Lễ công bố Nghị định, quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển TP Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng đã đạt được trong thời gian qua.
TP Đà Nẵng là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương, có vai trò là đô thị lớn; là đầu tàu, động lực phát triển; trung tâm kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục; có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng – an ninh của khu vực miền trung - Tây Nguyên và của cả nước.
TP Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung ngày 4-12-2013. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã rất nỗ lực trong việc triển khai thực hiện, xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố phát triển mạnh mẽ, thành phố đáng sống.
Tuy nhiên, sau hơn bảy năm thực hiện Quy hoạch chung năm 2013, đến nay nhiều nội dung đã không còn phù hợp với tình hình, tầm nhìn mới. Cụ thể, như một số dự báo còn thiếu chính xác, đặc biệt là dự báo về dân số (năm 2019 là 1,1 triệu người, trong khi quy hoạch 1,6 triệu). Việc triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung chưa liên tục, kịp thời, đồng bộ; Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng chưa đáp ứng do thiếu các hướng dẫn kiểm soát phát triển (tầng cao, mật độ, hệ số sử dụng đất,…); Tư duy quy hoạch và phát triển đô thị chưa tiên tiến.
Việc phát triển đô thị còn theo chiều rộng, dàn trải và lãng phí, chủ yếu là sự tiếp nối các xu hướng phát triển tuyến tính dọc theo các trục giao thông chính; Chưa tận dụng tối đa địa hình tự nhiên tạo lập không gian kiến trúc phong phú, đa dạng, bảo vệ thiên nhiên; Chưa chú trọng giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Để thực hiện những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và và bền vững, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Đà Nẵng cần quan tâm thực hiện tốt sáu nhiệm vụ chủ yếu.
Trước hết, TP Đà Nẵng cần tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng và toàn vùng, gắn với nhu cầu thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; đồng thời gắn với bảo đảm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.
Trên cơ sở tái cấu trúc, phải tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành, lĩnh vực, đặc biệt là quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch hạ tầng, và các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật khác.
Đồng thời, đẩy nhanh việc lập Quy hoạch TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó lấy Quy hoạch Đà Nẵng có vai trò trung tâm trong Đồ án Quy hoạch TP Đà Nẵng.
Thành phố cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Đồ án Quy hoạch chung TP Đà Nẵng theo giai đoạn năm năm, 10 năm và hằng năm. Trong đó, xác định rõ cơ cấu nguồn lực, các công trình, dự án ưu tiên để huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện, tránh phát triển theo phong trào, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước và xã hội.
Thứ hai, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, xác định đây là khâu đột phá trong phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới.
Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, và có kế hoạch. Cần tập trung nguồn lực để chỉnh trang đô thị, xây dựng những khu đô thị mới, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng nông thôn.
Đặc biệt, TP Đà Nẵng cần quan tâm phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thu nhập thấp, nhà ở công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp. Chú trọng quản lý kiến trúc, cảnh quan gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị, một chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thành phố cần tập trung xây dựng bộ máy chính quyền gọn nhẹ, hiệu quả, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương.
Thực hành dân chủ và giám sát của người dân phải được tiếp tục phát huy thông qua vai trò của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong điều kiện phát triển của đô thị và chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh gắn với chính quyền đô thị là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm quyền giám sát, thực thi quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong quản lý và phát triển.
Cùng với phát triển kinh tế, cần hết sức chú trọng phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy các gia trị văn hóa truyền thống; chăm lo bảo đảm an sinh xã hội; chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Thứ năm, Tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đảng bộ, chính quyền các cấp phải quan tâm giải quyết những bức xúc của người dân, không để xảy ra khiếu kiện kéo dài, xảy ra điểm nóng về trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, của cán bộ, đảng viên.
Thứ sáu, đối với Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, đề nghị thành phố khẩn trương phối hợp các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường… sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư bảo đảm các quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng của dự án.
Đối với Đề án xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực, thành phố khẩn trương tổ chức nghiên cứu, tranh thủ các kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Trung tâm tài chính quy mô khu vực, cũng như tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan để lập Đề án theo quy định, bảo đảm khả thi, hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương phối hợp cùng Đà Nẵng triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị định, Quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Đà Nẵng tiếp tục bứt phá, trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…
Với những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, với những định hướng phát triển mới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tin tưởng rằng, TP Đà Nẵng sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới để trở thành một thành phố phát triển văn minh, hiện đại, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế của khu vực miền trung - Tây Nguyên, và sẽ trở thành một động lực mới cho phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Dịp này, UBND TP Đà Nẵng và đại diện Tập đoàn liên Thái Bình Dương đã ký biên bản hợp tác tài trợ Nghiên cứu, lập Đề án Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực.