Mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch

Hơn 2 năm qua, các cấp ủy, các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện Thuận Châu luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng quy chế hoạt động theo hướng mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Đảng ủy xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu triển khai thực hiện nhiệm vụ quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đảng ủy xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu triển khai thực hiện nhiệm vụ quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Đắc Lực, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, MTTQ và các đoàn thể triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận về nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị giao.

Cấp ủy, chính quyền các xã đã triển khai 11 nội dung cần công khai cho nhân dân biết bằng các hình thức: Niêm yết tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, bản, tiểu khu, nhóm liên gia tự quản, tổ an ninh nhân dân, các cuộc tiếp xúc cử tri... Với các nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các nguồn vốn nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm; các chính sách hỗ trợ, vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo; mức thu các loại quỹ, các khoản phí, lệ phí, các khoản đóng góp khác...

Đồng thời, tổ chức cho nhân dân thảo luận, bàn bạc, thống nhất việc tham gia ý kiến và lấy phiếu tín nhiệm đối với những người ứng cử chức danh trưởng thôn, trưởng bản, trưởng tiểu khu. Hoạt động thu, chi các nguồn đóng góp của nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng và các chương trình, dự án có hỗ trợ kinh phí được công khai trên hệ thống truyền thanh của xã, của bản, hoặc thông qua họp dân chọn đối tượng thụ hưởng, mức hỗ trợ... Thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế; dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc quản lý, sử dụng quỹ đất công ích; chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng...

Ông Quàng Văn Hỏa, Chủ tịch UBND xã Mường Khiêng, cho biết: Những công việc liên quan đến nhân dân, Đảng ủy, UBND xã đều tổ chức họp bàn mở rộng đến bí thư, trưởng các bản, sau khi thống nhất các bản sẽ đưa ra bàn bạc với nhân dân. Đơn cử như việc vận động các hộ dân liên kết thành lập hợp tác xã, sau khi thống nhất chủ trương, xã chỉ đạo các bản tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia thành viên. Đến nay, xã có 4 HTX trồng cây ăn quả, quy mô sản xuất trên 380 ha cây ăn quả các loại. Ngoài ra, còn có 1 HTX nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, với 340 lồng cá. Việc tham gia HTX đã làm thay đổi tư duy sản xuất của thành viên và nông dân trong xã.

Hơn 2 năm qua, ban thanh tra nhân dân 29 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã giám sát 46 cuộc. Nội dung giám sát chủ yếu về việc chi trả tiền điện cho các hộ nghèo; chi trả tiền theo chính sách hỗ trợ các cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời, giám sát việc tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú; cấp phát gạo cứu đói giáp hạt; chi trả chế độ cho người hoạt động không chuyên trách, các chức danh hưởng mức hỗ trợ nghỉ việc, thôi hưởng mức phụ cấp theo chính sách của tỉnh... Ban giám sát đầu tư của cộng đồng 29 xã, thị trấn cũng đã giám sát 36 cuộc đối với các công trình, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện. Qua giám sát, không phát hiện vi phạm phải xem xét xử lý.

Hằng năm, cán bộ, công chức trên địa bàn huyện cải tiến lề lối, phong cách làm việc. Tích cực tham gia vào kế hoạch phát triển KT-XH; công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách; các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị... tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong thực thi nhiệm vụ.

Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức 12 cuộc đối thoại; các xã, thị trấn tổ chức 65 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, xử lý đơn thư theo quy định của pháp luật. Duy trì tiếp công dân theo quy định. Từ năm 2021 đến hết quý I/2023, chủ tịch UBND các xã, thị trấn đã tiếp 9 lượt, 9 công dân, phản ánh, kiến nghị 9 vụ việc. Nội dung về điều tiết nước sinh hoạt của bản, tranh chấp đất đai, tranh chấp nguồn nước, đề nghị liên quan đến chế độ chính sách... Các vụ việc được UBND các xã, thị trấn xem xét và kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định của pháp luật, nhờ đó, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Cấp ủy, ban giám đốc các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trong huyện cũng thực hiện nghiêm quy chế dân chủ theo Nghị định số 145/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Thực hiện ký thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động theo quy định của Bộ Lao động và Luật Doanh nghiệp, đảm bảo người lao động được hưởng đầy đủ các quyền được biết, được bàn, được quyết định và được kiểm tra, giám sát.

Việc thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn huyện Thuận Châu đã góp phần củng cố tình đoàn kết nội bộ, nâng cao vai trò làm chủ, phát huy trách nhiệm, tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong phát triển KT-XH ở địa phương.

Bài, ảnh: Hồng Luận

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xay-dung-dang/mo-rong-dan-chu-cong-khai-minh-bach-LGlFsEzSg.html