Mở rộng diện tích các loại cây trồng tiềm năng

Đất nông nghiệp màu mỡ, khí hậu ôn hòa, những năm gần đây, nông dân huyện Tam Đường tích cực mở rộng diện tích các loại cây trồng tiềm năng (chè, mắc-ca, chanh leo…) cho hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở đó, huyện định hướng, quy hoạch phát triển vùng thâm canh các loại cây trồng tập trung, mang lại năng suất, sản lượng cao.

Ông Nguyễn Đình Thượng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Đường cho biết: Theo Kế hoạch UBND huyện giao, phòng phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân mở rộng diện tích các loại cây trồng tiềm năng cho hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến như: mắc-ca, chè, chanh leo, dong riềng… Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo đột phá về năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị các loại cây trồng, thu hút công ty, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện, trên địa bàn huyện đã có hơn 20 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân trồng, sản xuất chè, miến dong, chanh leo gắn với xây dựng thương hiệu; hình thành các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng hàng hóa tập trung.Huyện triển khai, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nông dân thâm canh, tăng vụ. Đơn cử, cây chè đã làm thay đổi đáng kể diện mạo vùng quê nghèo trước đây. Ngoài diện tích chè từ vài chục năm trước, bà con nỗ lực tham gia dự án trồng chè chất lượng cao của tỉnh, huyện. Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường liên kết với người trồng chè, thực hiện cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Toàn huyện đã có 2.227,9ha chè, trong đó 2.132,34ha chè tập trung, 1.593,8ha chè kinh doanh với sản lượng chè búp tươi đạt 14.350 tấn (tăng 1.350 tấn so với cùng kỳ năm trước).Sau hơn 4 năm bén rễ, chanh leo đang là cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện. Bởi vậy, cây trồng này được người dân mở rộng trồng mới trên 300ha, trong đó gần 100ha cho thu hoạch với sản lượng đạt 5.845 tấn, tăng 965 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tại xã Sơn Bình, nhân dân thực hiện trồng trên 40ha chanh leo, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giàu. Thời gian tới, xã tiếp tục định hướng mở rộng diện tích trồng chanh leo; liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất để nâng cao sản lượng.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường cùng người dân xã Bản Hon kiểm tra sự phát triển của cây mắc-ca.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường cùng người dân xã Bản Hon kiểm tra sự phát triển của cây mắc-ca.

Chúng tôi đến thăm vùng sản xuất nông nghiệp của các bản: Đông Pao 1, Đông Pao 2, Chăn Nuôi và bản Thẳm (xã Bản Hon), qua tìm hiểu nhận thấy sự thay đổi về tư duy sản xuất rất rõ nét của người dân nơi đây. Bà con ngày càng tích cực tìm tòi, nắm bắt khoa học, công nghệ mới để ứng dụng vào thực tiễn thâm canh, tăng vụ, chăm sóc cây trồng. Nhờ đó, xã đã hình thành vùng cây tiềm năng cho hiệu quả kinh tế cao như: chè, mắc-ca, chanh leo… Đối với cây chè, xã có tổng diện tích 122,3ha, trong đó 122,3ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi đạt 1.125,2 tấn. Cây mắc-ca có 136,6ha, trong đó 9,5ha cho thu hoạch. Thực hiện trồng mới và chăm sóc 19,67ha chanh leo; 65,5ha cây ăn quả.
Trước đây, gia đình ông Tao Văn Nó ở bản Đông Pao 1 (xã Bản Hon) chủ yếu gieo trồng 1 vụ ngô, lúa mỗi năm. Từ năm 2012 đến nay, gia đình ông từng bước chuyển đổi nương ngô, lúa sang trồng mắc-ca và chè kim tuyên chất lượng cao; một số diện tích đất thực hiện trồng mắc-ca xen chè. Hiện, gia đình ông có gần 300 cây mắc-ca, 0,3ha chè sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu hoạch ổn định trên 50 triệu đồng mỗi năm.
Ông Nó tâm sự: “Nhờ chuyển đổi một số diện tích đất kém hiệu quả sang trồng mắc-ca, chè, 3 năm gần đây, gia đình tôi có thu nhập cao, bền vững. Đây là những cây trồng tiềm năng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, hiệu quả kinh tế”.
Hiện nay, Tam Đường đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô, tập trung, có giá trị, hiệu quả kinh tế cao như: vùng trồng mắc-ca ở các xã: Bản Hon, Thèn Sin, Bản Bo; vùng trồng chè ở các xã: Bản Bo, Bản Hon, Bản Giang, Nà Tăm, Thèn Sin và vùng trồng cây ăn quả ôn đới ở các xã: Giang Ma, Hồ Thầu… Thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thông qua liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường phát triển vùng nguyên liệu, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

Thu Minh

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/m%E1%BB%9F-r%E1%BB%99ng-di%E1%BB%87n-t%C3%ADch-c%C3%A1c-lo%E1%BA%A1i-c%C3%A2y-tr%E1%BB%93ng-ti%E1%BB%81m-n%C4%83ng