Mở rộng diện tích măng tây ở Thiện Kế
Sau thành phố Tuyên Quang, Thiện Kế (Sơn Dương) là địa phương thứ 2 lựa chọn cây măng tây để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với những bước đi chắc chắn, cây trồng này đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho người nông dân.
Các ông: Trương Minh Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã, Diệp Văn Chính, Phó Chủ tịch HĐND xã và Trần Văn Tuyên, Phó Công an viên là những người đầu tiên đưa cây măng tây về với Thiện Kế. Ông Đăng chia sẻ, năm 2019, nhận thấy ruộng 1 vụ trên địa bàn xã canh tác không hiệu quả, ông cùng một số anh em cán bộ đã đi nhiều tỉnh, thành tham quan, học hỏi để lựa chọn bằng được giống cây trồng phù hợp về nhằm tăng hệ số sử dụng đất cho xã. Trong nhiều chuyến đi từ Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, đến Hải Dương, các ông đã quyết định đưa cây măng tây về trồng thử nghiệm.
Cây măng tây được trồng tốt nhất vào tháng 8 âm lịch. Sau 6 tháng chăm sóc là bắt đầu cho thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài suốt 9 tháng liên tục. Ưu điểm của cây măng tây là mầm lớn rất nhanh, khi mầm cao trên 1 gang tay là có thể thu hoạch được. Ông Diệp Minh Chính cho biết, bà con tin là bởi toàn bộ 0,5 ha trồng thử nghiệm sinh trưởng, phát triển tốt, trung bình cứ 1 sào măng tây mỗi ngày cho thu 4-5 kg.
Mô hình cây măng tây ở Thiện Kế (Sơn Dương) bước đầu đem lạihiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Cái hay của mô hình trồng măng tây ở Thiện Kế là hầu hết được trồng trên diện tích dồn điền đổi thửa. Ông Trần Văn Tuyên cho biết, toàn bộ diện tích trồng măng tây của ông được dồn từ 14 mảnh ruộng nhỏ. Để có được diện tích đất đủ lớn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông dồn toàn bộ 14 mảnh thành một thửa liền mảnh.
Bắt đầu trồng từ tháng 10-2019, chỉ sau chưa đầy 1 năm, từ 0,5 ha đầu tiên của 3 cán bộ xã, diện tích măng tây ở Thiện Kế đã tăng lên trên 4 ha, với 18 hộ tham gia. Bà Dương Thị Thanh, thôn Thiệu Phong khoe, trung bình mỗi ngày, gia đình bà thu hoạch ít nhất 20 kg. Bà cũng trồng 4,5 sào măng tây. Bà Ôn Thị Tư, thôn Văn Sòng cho biết, toàn bộ diện tích măng tây ở Thiện Kế đều được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, vì là cây thu hoạch trong ngày, nên bà con tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Công việc hàng ngày của các bà làm cỏ vào ban ngày và bắt sâu vào ban đêm để đảm bảo cho măng tây phát triển tốt nhất.
Nhờ sản xuất sạch, xung quanh vườn, bà con tận dụng trồng xen bí xanh, dưa chuột, mướp... Toàn bộ sản phẩm, từ măng tây đến các loại quả được lãnh đạo xã kết nối với các cửa hàng thực phẩm sạch ở thành phố Tuyên Quang thu mua với giá 50 nghìn đồng/kg.