Mở rộng diện tích trồng rừng và cây lâm nghiệp
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thời gian qua, công tác trồng cây lâm nghiệp nói chung, trồng rừng nói riêng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thời gian qua, công tác trồng cây lâm nghiệp nói chung, trồng rừng nói riêng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019 toàn tỉnh đã trồng được 40ha rừng phòng hộ ven biển tập trung tại huyện Nghĩa Hưng và trên 700 nghìn cây phân tán các loại. Ngay sau lễ phát động Tết trồng cây Xuân Kỷ Hợi của UBND tỉnh, các địa phương tiến hành trồng cây phân tán dọc các trục đường giao thông nông thôn; các huyện ven biển đã triển khai trồng rừng phòng hộ vụ xuân. Các huyện, thành phố đã đồng loạt ra quân hưởng ứng Tết trồng cây “đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và phong trào trồng cây Xuân Kỷ Hợi 2019 tại những nơi trang trọng và có ý nghĩa văn hóa, lịch sử; đồng thời giao chỉ tiêu cho mỗi xã, thị trấn trồng đồng loạt 1 loại cây trên ít nhất 2 tuyến đường. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, các tổ chức xã hội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của việc “trồng cây gây rừng”. Các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai ngay từ đầu năm công tác trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020… Theo kế hoạch, trong năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu trồng 450 nghìn cây phân tán các loại, trong đó có khoảng 50% là cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao; trồng bổ sung, phục hồi 100ha rừng phòng hộ và chăm sóc bảo vệ 310ha rừng phòng hộ. Hiện các địa phương đang tập trung gieo ươm và chăm sóc cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2020, đồng thời tiếp tục thực hiện giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng. Chủ động rà soát lại diện tích đất trống, diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để thu hồi, có kế hoạch đưa vào quy hoạch trồng mới rừng phòng hộ, rừng ngập mặn; khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng… Việc duy trì trồng rừng và phát triển rừng trồng không chỉ phủ xanh diện tích đất trống, bãi triều ven biển, bảo vệ môi trường, chống xói mòn và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp hiện nay mà còn mang lại nguồn thu từ gỗ để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Tuy nhiên để phát huy được những lợi ích đó, các cấp, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng tập trung, từng bước hình thành vùng nguyên liệu; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân bằng các mô hình nông - lâm kết hợp, góp phần nâng cao sinh kế cho người dân địa phương. Khi cuộc sống được cải thiện nhờ phát triển kinh tế rừng, người dân sẽ gắn bó và tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Rừng ngập mặn ven biển có chức năng phòng hộ chống xói mòn, duy trì cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ tính đa dạng sinh học, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguồn giống động thực vật và an ninh quốc phòng ven biển. Hiện nay, diện tích rừng của tỉnh ta chủ yếu ở các huyện ven biển là Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thủy. Rừng ngập mặn của các huyện cơ bản là rừng trồng bằng các nguồn vốn của các dự án, chương trình trong và ngoài nước. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống rừng ven biển của tỉnh đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc phòng hộ, chắn sóng bảo vệ đê biển, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho nhân dân. Diện tích rừng và chất lượng rừng ngày càng được cải thiện. Tình trạng phá rừng hầu như không xảy ra, tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép để nuôi trồng thủy sản từng bước được kiểm soát. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò của rừng ven biển cũng như trách nhiệm của mình đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển được nâng cao rõ rệt. Đồng chí Nguyễn Xuân Tuyến, Chủ tịch UBND xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) cho biết: Rừng ngập mặn không chỉ có tác dụng chắn sóng, bảo vệ đê biển mà còn mang lại nguồn lợi thủy sản có giá trị cho người dân địa phương. Thông qua các dự án, nhân dân đã được tuyên truyền về vai trò và tác dụng của rừng phòng hộ ven biển; cách trồng, bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng ven biển. Sau khi rừng mới được trồng, những vạt đất ngập mặn được bồi đắp, nâng cao, có tác dụng phòng hộ tích cực, trực tiếp bảo vệ đê điều, cản sóng biển, bão gió, chống xói mòn sập lở dải cát ven biển, bảo vệ sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đến nay, nhờ có vành đai rừng ngập mặn che chắn, các đầm nuôi tôm và các đê chắn sóng của xã được bảo vệ tốt khi có bão, thủy triều dâng cao... Mặc dù công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển của tỉnh được đánh giá tương đối tốt song tình trạng rừng bị xâm hại vẫn còn xảy ra; vị trí trồng ngày càng bị đẩy ra xa gây khó khăn cho công tác trồng rừng. Bên cạnh đó, hệ thống rừng ngập mặn ven biển hiện có của tỉnh luôn chịu sức ép rất lớn từ tác động của thiên nhiên khắc nghiệt, sự thay đổi thường xuyên của dòng chảy làm mất một số diện tích rừng mới trồng gây khó khăn cho việc trồng rừng mới của các dự án; sinh vật hà phát triển gây hại đến diện tích rừng mới trồng; một bộ phận người dân còn chưa có ý thức bảo vệ rừng, thường xuyên đào don, đun te, bơm cát cải tạo bãi ngao gây ảnh hưởng đến diện tích rừng mới trồng. Việc trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn về địa hình, phụ thuộc vào thời gian nước rút mới tiến hành trồng cây, có khi phải trồng vào ban đêm hoặc sáng sớm; tình trạng thủy triều kéo theo bèo, rác quấn lên ngọn cây... khiến cây chết là khó tránh khỏi.
Có thể khẳng định, diện tích cây xanh nói chung, rừng ngập mặn nói riêng chính là lá chắn bảo vệ và giảm thiểu sự tàn phá của bão biển, triều dâng, hạn chế xói lở, giảm xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và đẩy nhanh quá trình bồi tụ phù sa, là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái… Do đó, chính quyền các huyện, thành phố cùng các sở, ban, ngành cần tích cực triển khai các giải pháp để tiếp tục bảo vệ và nhân rộng diện tích trồng cây xanh, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn tại các vùng ven biển./.
Bài và ảnh: Văn Đại