Mở rộng điều tra vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng
Công an TP HCM khẳng định đủ cơ sở xác định 2 bảo mẫu đánh trẻ và hiện đang tiếp tục mở rộng điều tra
Chiều 6-9, Công an TP HCM đã khởi tố, tạm giam Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (SN 1978, quê Đồng Nai) và Diệp Ngọc Tuyền (SN 1977, quê Đồng Nai) về tội "Hành hạ người khác".
Công an TP HCM cho biết Mái ấm Hoa Hồng do bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974) trực tiếp quản lý. Cơ sở có 12 nhân viên bảo mẫu và 2 nhân viên lái xe. Tại thời điểm kiểm tra, có 86 cháu bé thuộc diện trẻ em mồ côi (từ 2 tháng đến 3 tuổi) đang được nuôi dưỡng tại cơ sở; vượt quá số lượng cấp phép là 47 trẻ.
Tiếp tục điều tra
Khẩn trương vào cuộc, Công an TP HCM đã phối hợp chính quyền địa phương và sở, ngành đưa 85 trẻ vào các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố để được thăm khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu và tiếp tục được nuôi dưỡng.
Đồng thời, Công an TP HCM tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; rà soát, làm rõ những sơ hở, thiếu sót trong quá trình quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội để kiến nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương khắc phục, không để xảy ra vụ việc tương tự.
Về hành vi của bà Giáp Thị Sông Hương, Công an TP HCM cho biết tiếp tục xác minh, điều tra, làm rõ hành vi của bà Hương. Khi xác minh xong, có kết quả cuối cùng sẽ cung cấp thông tin cho báo chí. Đại diện Công an quận 12 cho biết ngay sau khi nhận được tin báo tố giác tội phạm, Công an quận 12 và Công an TP HCM đã nhanh chóng vào cuộc điều tra. Vụ việc này có nhiều vấn đề đang được tiếp tục điều tra mở rộng, công an xác định Mái ấm Hoa Hồng có hành vi đối phó. Công an sẽ cung cấp thông tin sau khi có kết luận điều tra.
Tăng cường kiểm tra
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết Mái ấm Hoa Hồng là một đơn vị được cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Phòng LĐ-TB-XH quận 12 cấp phép. "Do đó, trong quá trình hoạt động, việc để Mái ấm Hoa Hồng thực hiện những nội dung ngoài giấy phép của địa phương đã cấp thì đó là thuộc chức trách, chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của địa phương" - ông Thinh nói.
Theo ông Thinh, có 3 cấp quản lý đối với cơ sở trợ giúp xã hội. Theo đó, cấp thành phố do Sở LĐ-TB-XH quản lý; cấp quận - huyện - TP Thủ Đức do Phòng LĐ-TB-XH quản lý; cơ sở dưới 10 đối tượng do UBND cấp xã quản lý.
Về trách nhiệm của Sở LĐ-TB-XH, ông Lê Văn Thinh thông tin: "Đơn vị thường xuyên đề nghị, nhắc nhở các địa phương quan tâm kiểm tra, giám sát các cơ sở trú đóng trên địa bàn quản lý thực hiện bảo đảm hoạt động theo giấy phép đã được cấp và tuân thủ các quy định của pháp luật".
Ngoài việc triển khai, tổ chức thực hiện, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật có liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước từ cấp huyện, cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố phải thực hiện tốt chức năng kiểm tra giám sát, quản lý địa bàn. Trách nhiệm giải quyết vụ việc phát sinh cũng thuộc thẩm quyền địa phương quản lý, do đó công tác kiểm tra giám sát và quản lý địa bàn, tiếp nhận thông tin phản ánh cần được quan tâm hơn. "Trong thời gian tới, ngoài kế hoạch kiểm tra giám sát định kỳ hằng năm, Sở LĐ-TB-XH tiếp tục có kế hoạch rà soát, kiểm tra giám sát tất cả cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn (gồm cơ sở TP quản lý, cơ sở do quận - huyện - TP Thủ Đức quản lý) để ngăn ngừa phát sinh vụ việc bạo hành tại cơ sở trợ giúp xã hội" - ông Lê Văn Thinh khẳng định.
Sáng 6-9, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến thăm những trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng được chuyển đến Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình và Làng Thiếu niên Thủ Đức. Đây là hai cơ sở bảo trợ xã hội công lập thuộc sự quản lý của Sở LĐ-TB-XH TP HCM.
Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình tiếp nhận 32 trẻ từ 1 đến 6 tuổi. Tại đây, 27 trẻ được bố trí ở phòng nhi đồng và 5 trẻ ở phòng thiếu niên (6 tuổi). Các bảo mẫu chăm sóc trẻ được bố trí từ 3 người mỗi ca/phòng. Mỗi ngày sẽ có 2 ca thay phiên giữa các cô. Tại đây, các em được ăn uống, vui chơi trong căn phòng sạch sẽ, khang trang.
Bảo mẫu Lê Thị Bảo (SN 1970) cho biết mỗi ngày, các cháu có 3 bữa ăn, uống sữa và được vệ sinh kỹ lưỡng sau mỗi bữa ăn. "Ban đầu rất khó khăn, các cháu vào ngày đầu khóc nhiều vì lạ người, lạ chỗ, khi ngủ dễ giật mình... Nhưng qua ngày thứ 2 này các cháu đã dần quen hơn. Chúng tôi cố gắng chăm sóc để các cháu thích nghi theo giờ ăn, giờ ngủ, giờ vui chơi cụ thể để bảo đảm sức khỏe thể chất. Tiếp đó, quan tâm hỏi thăm các cháu để biết trạng thái tinh thần ra sao, chú ý món ăn, đồ uống có hợp với các cháu không để nhà bếp điều chỉnh phù hợp. Chúng tôi cũng giáo dục các cháu đơn giản như biết chào hỏi, biết cảm ơn, không giành đồ chơi" - cô Bảo chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, cho biết các bé sau khi chuyển qua ngôi nhà mới vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng ở độ tuổi này, các cháu sẽ nhanh chóng hòa nhập.
Trong khi đó, ở Làng Thiếu niên Thủ Đức tiếp nhận 37 trẻ, là các trẻ trên 6 tuổi. Ông Trần Hữu Nghị, Phó Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức, cho biết sau khi tiếp nhận nhóm trẻ, đơn vị đã cách ly riêng một khu vực gồm 2 phòng để phòng chống dịch bệnh theo đúng quy trình vì chưa có hồ sơ cá nhân đầy đủ thể hiện trẻ đã được tiêm chủng hay chưa.
Nhiều lần đánh trẻ
Khẩn trương thu thập tài liệu, chứng cứ và áp dụng các biện pháp điều tra theo quy định, đến thời điểm hiện nay, Công an TP HCM có đầy đủ chứng cứ và cơ sở pháp lý vững chắc xác định Nguyễn Thị Ngọc Cẩm và Diệp Ngọc Tuyền đã nhiều lần đánh vào cơ thể của một số cháu bé trong mái ấm.
Vết sẹo lòng không thể xóa nhòa
Sự kiện đau lòng xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng đã gây chấn động dư luận, phơi bày một góc khuất đáng sợ. Những đứa trẻ, vốn dĩ đã chịu nhiều thiệt thòi, lại phải gánh chịu nỗi đau thể xác và tinh thần do chính những người được giao nhiệm vụ chăm sóc gây ra.
Hành vi bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng không chỉ là một vụ việc đơn lẻ mà là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em đang ngày càng gia tăng.
Những hình ảnh, đoạn video ghi lại cảnh các em nhỏ bị đánh đập, chửi bới đã khiến trái tim bao người thắt lại. Những vết thương trên cơ thể có thể lành lại, nhưng những tổn thương tinh thần để lại sẽ ám ảnh các em suốt cuộc đời. Trẻ em là những mầm non tương lai của đất nước, việc phải sống trong sợ hãi, lo âu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tâm lý, tình cảm và cả thể chất của các em.
Nguyên nhân dẫn đến vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng là vấn đề cần được đặt ra để có những giải pháp hiệu quả. Có thể kể đến một số nguyên nhân như: Nhân viên chăm sóc trẻ em thường phải làm việc quá tải, chịu áp lực lớn từ công việc. Điều này dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi và có những hành vi tiêu cực.
Không phải ai cũng có đủ kỹ năng để chăm sóc trẻ em, đặc biệt là những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Việc thiếu kiến thức về tâm lý trẻ em có thể khiến người chăm sóc mất kiên nhẫn và sử dụng bạo lực.
Môi trường làm việc căng thẳng, thiếu sự quan tâm của cấp trên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo hành.
Một số người có ý thức trách nhiệm xã hội thấp, coi việc chăm sóc trẻ em chỉ là một công việc kiếm sống, không thực sự quan tâm đến quyền lợi của trẻ.
Hành vi bạo hành trẻ em là một tội ác không thể dung thứ. Nhà nước cần có những chế tài xử lý nghiêm minh đối với những kẻ gây ra tội ác này. Đồng thời, xã hội cũng cần lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực và cùng nhau chung tay bảo vệ trẻ em.
Để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em, cần có những giải pháp toàn diện, bao gồm: Cần tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng chăm sóc trẻ em cho những người làm việc trong các cơ sở bảo trợ xã hội. Các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Các cơ sở bảo trợ xã hội cần tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, tôn trọng, giúp nhân viên giảm bớt áp lực và căng thẳng.
Cần tăng cường tuyên truyền về quyền trẻ em và các hình thức bạo hành trẻ em để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Cuối cùng là cần xây dựng một hệ thống hỗ trợ toàn diện cho trẻ em bị bạo hành, bao gồm cả hỗ trợ tâm lý, pháp lý và vật chất.
Vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng là một bài học đau xót. Để bảo vệ trẻ em, chúng ta cần có những hành động thiết thực và quyết liệt hơn nữa. Mỗi người dân đều có trách nhiệm chung tay bảo vệ trẻ em, tạo ra một xã hội an toàn, lành mạnh cho các em phát triển.
Nguyễn Tấn