Mở rộng điều tra vụ làm giả xăng: Bắt giữ nhiều đối tượng
Liên quan vụ làm giả xăng 'khủng' Công an tiếp tục khám xét và bắt giam Giám đốc Công ty Xăng dầu Long An. Theo các chuyên gia, xăng giả gây nguy hiểm cho động cơ, là một trong các nguyên nhân gây cháy nổ xe.
Bắt giữ nhiều đối tượng
Mở rộng điều tra vụ án làm giả hàng trăm triệu lít xăng, ngày 15/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Công an tỉnh Long An khám xét trụ sở Công ty Xăng dầu Long An (Petrolimex Long An) tại địa chỉ số 10 Trà Quý Bình , P.2, TP Tân An, tỉnh Long An.
Đồng thời, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Lương Đình Tiến - Giám đốc Công ty Xăng dầu Long An để điều tra về hành vi buôn lậu. Ông Tiến bị bắt vì có liên quan đến đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả do Phan Thanh Hữu cầm đầu. Cơ quan điều tra cho rằng, có khoảng một triệu lít xăng giả được đưa ra thị trường mỗi ngày từ "lò" pha chế giữa sông Hậu. Tính từ tháng 8/2020 đến khi bị bắt, nhóm nghi phạm đã cung cấp ra thị trường hơn 200 triệu lít.
Đây là động thái mới nhất khi Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an mở rộng điều tra chuyên án buôn lậu xăng dầu 920G do Phan Thanh Hữu (ngụ TPHCM) cầm đầu.
Trước đó, ngày 7/4, Công an Đồng Nai khám xét Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm ở Q.7, TPHCM và bắt khẩn cấp ông Trần Huy Lập - Tổng Giám đốc công ty này cùng 2 người khác.
Công an tỉnh Đồng Nai xác định Công ty cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm (trụ sở tại số 60A đường Hoàng Quốc Việt, Q.7, TPHCM) có 6 cổ đông. Doanh nghiệp này đăng ký hoạt động lần đầu ngày 31/12/2013, đăng ký thay đổi lần thứ 9 ngày 29/6/2020, với vốn đầu tư 153 tỷ đồng. Trước đó vào ngày 6/2, sau thời gian dài điều tra, Công an Đồng Nai dưới sự hỗ trợ của Cục cảnh sát Hình sự đã huy động hơn 500 cán bộ chiến sĩ từ nhiều hướng bất ngờ ập vào ụ nổi giữa sông Hậu, bắt quả tang nhiều người đang pha chế xăng giả, và 13 địa điểm khác ở Đồng Nai, TP HCM, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Công ty cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm có 11 cửa hàng bán lẻ và hàng chục đại lý ở khắp các tỉnh thành phía Nam. Ngày 26/5/2020, Công ty Cổ phần Nhiên Liệu Phúc Lâm nhận quyết định trở thành Thương nhân Xuất Nhập Khẩu Xăng Dầu - Đầu mối xăng dầu từ Bộ Công Thương. Thông tin trang web của công ty này giới thiệu sản phẩm xăng dầu của họ được nhập khẩu từ Singapore (dầu DO) và Hàn Quốc (xăng A95).
Các vật vật chứng mà cơ quan chức năng thu giữ là 14 tàu thủy, 10 xe bồn, 13 ôtô, hàng triệu lít xăng và hóa chất pha chế xăng giả; trên 123 tỷ đồng, 15 sổ tiết kiệm, 91 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kê biên hàng chục tài khoản với số tiền trên 200 tỷ đồng… CQĐT xác định, đường dây tội phạm này do hai đại gia Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ cầm đầu có thể đã buôn lậu, sản xuất đến 200 triệu lít xăng giả.
Liên quan đến vụ việc, Công an Đồng Nai đã khởi tố trên 50 người về các tội Buôn lậu; Sản xuất buôn bán hàng giả; Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, Ngô Văn Thụy (cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) bị điều tra hành vi Nhận hối lộ.
Xăng giả: Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Theo các chuyên gia trong lĩnh cơ khí động lực, xăng giả có những tác hại khôn lường gây nguy hiểm cho động cơ và cũng là một trong các nguyên nhân chính gây ra cháy nổ xe vừa qua.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), chuyên gia trong lĩnh vực Ôtô và thiết bị động lực, vấn nạn xăng giả đã xuất hiện và được cảnh báo cách đây ít nhất hơn 20 năm. Cụ thể là ở đường ống dẫn khí từ giàn khoan vào nhà máy xử lý ga Dinh Cố hoặc nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ cách đây nhiều năm. Lúc đó condensate (xăng nhẹ) đọng lại, nhiều người đục vào đường ống đó để lấy condensate pha vào xăng.
“Hiện nay condensate cũng là chất mà nhiều công ty thu gom và bán. Mục tiêu chính là làm xăng công nghiệp, pha với sơn, chất phụ gia, tẩy rửa là chính. Do giá thành rẻ nên nhiều người lợi dụng yếu tố đó để pha vào xăng. Ngoài ra, người làm xăng giả còn pha thêm cả chất phụ gia không chính thống. Chẳng hạn như Acetat chì là chất mà trước thời điểm 2017, người ta pha vào xăng để tăng chỉ số octan lên, nhằm chống kích nổ. Từ 2007 trở đi, nước mình cấm sử dụng Acetat chì vào xăng và pha bằng chất phụ gia khác để tăng chỉ số octan. Nhưng hiện nay nhiều người sử dụng chất phụ gia không phép để pha vào xăng hoặc thậm chí trộn nhiều loại xăng khác nhau với giá thành thấp để tạo ra xăng giả. Như vậy xăng giả đã tồn tại nhiều năm nay rồi chứ không phải đến giờ này mới phát hiện” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nếu sử dụng trúng xăng giả sẽ ảnh hưởng xấu tác động trực tiếp đối với động cơ máy móc. Thứ nhất là hiện tượng cháy xe thường xuyên xảy ra vừa qua. Nguyên nhân, do các ống cao su trong hệ thống dẫn nhiên liệu của ô tô và xe máy tính toán để chịu được xăng thật chứ không phải xăng giả. Chính vì vậy, khi đổ xăng giả, các gioăng cao su bị nở ra sẽ xảy ra tình trạng rò rỉ xăng. Khi xăng rò rỉ chỉ cần một tia lửa điện là phát cháy. Chẳng hạn vụ cháy ở Carina Plaza (Q.8, TPHCM) vào tháng 3/2018, nguyên nhân xác định cũng vì một chiếc xe máy bị rò rỉ xăng dưới hầm xe, khi gặp một tia lửa điện đã dễ dàng bốc cháy, nhanh chóng lan ra các xe khác.
Ngoài ra, Hiệu trưởng HCMUTE cho rằng xăng giả tác động đến kết cấu làm tuổi thọ động cơ hao mòn rất nhanh. Giả sử một số xe được khuyên dùng xăng từ A95 trở lên, mà xăng giả pha vào thì chỉ số octan thấp hơn. Chắc chắn mình gặp phải xăng giả thì xe xảy ra hiện tượng kích nổ, gây ra sóng áp suất rất mạnh. Từ đó gây cong dên, mòn pít tông và xếp bạc... rất nhiều hiện tượng xảy ra làm cho xe thay vì chạy từ 10 - 15 năm thì tuổi thọ ngắn đi nhiều.
Đồng thời, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng hiện nay 100% ô tô và một số xe gắn máy sử dụng bộ lọc khí thải, hay còn gọi bộ trung hòa khí tải. Trong đó các các chất platinum, palladium, rhodium - để các chất độc từ động cơ sinh ra thì tác dụng với nhau để sinh ra những chất không độc và thải ra môi trường nhằm bảo vệ môi trường. Khi sử dụng phải chất phụ gia không đúng, khí thải mang chất phụ gia không đúng sẽ vô hiệu hóa tác dụng bộ lọc, thậm chí làm hư hỏng hoàn toàn. Từ đó con người hứng chịu việc ô nhiễm môi trường, gây lãng phí lớn bộ lọc khí thải.
“Xe cộ không may đổ trúng xăng giả vào thì các bộ phận bên trong bị hư hại hoặc giảm tuổi thọ rất nhanh… Tới lúc đó, hãng cũng không thể bảo hành xe cho người tiêu dùng. Không chỉ ô tô, xe máy mà các máy móc công nghiệp nếu sử dụng xăng pha, xăng giả kém chất lượng cũng gây những tác động tương tự như ô nhiễm môi trường, gây tác hại trực tiếp tới chi tiết, cơ cấu trong máy móc bên trong” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.