Mở rộng điều trị ARV để giảm số người tử vong do AIDS
Sau 20 năm triển khai điều trị HIV/AIDS, đến nay Việt Nam đã thiết lập được hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hệ thống cơ sở điều trị được thiết lập và mở rộng nhanh chóng góp phần tăng nhanh độ bao phủ điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị và duy trì điều trị lâu dài.
Từ chỗ chỉ có 3 đến 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS vào năm 2000, đến nay cả nước đã có 436 cơ sở. Trong đó có 8 cơ sở điều trị tại tuyến trung ương; 77 cơ sở tuyến tỉnh, thành phố (bao gồm bệnh viện tỉnh, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố hoặc trung tâm phòng, chống HIV/AIDS); 351 cơ sở điều trị ARV tuyến huyện (bệnh viện huyện, trung tâm y tế huyện). Ngoài ra còn có các cơ sở điều trị ARV tại 37 trại giam; 6 cơ sở điều trị tại trung tâm 06 và cơ sở tôn giáo, 3 phòng khám tư nhân.
Nhờ mở rộng các cơ sở điều trị, số bệnh nhân được điều trị tăng hơn 50 lần so với khi bắt đầu triển khai điều trị ARV mở rộng tại Việt Nam (năm 2004). Đến nay có gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó có 5.000 bệnh nhi.
Qua 20 năm triển khai, đã có nhiều mô hình chăm sóc điều trị đi vào hoạt động hiệu quả. Đó là mô hình Treatment 2.0; điều trị nhanh, điều trị trong ngày, cấp pháp thuốc nhiều tháng, lồng ghép dịch vụ Tư vấn xét nghiệm - điều trị ARV - Điều trị MMT, lồng ghép dịch vụ HIV/lao, HIV/viêm gan vi rút...
Nhờ mở rộng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế đã tăng lên nhanh chóng từ 30% (2015) đến nay là trên 90%. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế như Ninh Thuận, Lai Châu, Cao Bằng, Cà Mau. 42 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong bệnh nhân điều trị ARV trên 90%. Đến 31/10/2019 có trên 42.000 bệnh nhân đang nhận thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế tại 188 cơ sở điều trị HIV/AIDS, với chất lượng điều trị luôn được bảo đảm và ngày càng nâng cao.
Hiện tỷ lệ bệnh nhân được duy trì điều trị thuốc ARV sau 12 tháng ở mức độ trên 80%. Năm 2018, tỷ lệ này là 88%. Xét nghiệm tải lượng HIV được thực hiện thường quy từ năm 2015. Năm 2018 có 61% bệnh nhân được làm xét nghiệm tải lượng HIV. Trong đó, có 95% có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế và 93% có tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml. Các bằng chứng khoa học cho thấy khi tải lượng HIV dưới 200 bản sao/nl thì người bệnh không thể truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục. Như vậy, điều trị HIV/AIDS góp phần đáng kể vào dự phòng lây nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, số trẻ em nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ có xu hướng liên tục giảm từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở những trẻ được điều trị dự phòng bằng ARV trong 3 năm gần đây đều dưới 2%.
Việc mở rộng điều trị ARV đã giảm đáng kể số người tử vong do AIDS. Trong những năm 2009 số ca nhiễm HIV báo cáo tử vong hằng năm khoảng 7.000 - 8.000 ca, đến nay số ca tử vong báo cáo khoảng 1.000 - 2.000 ca tử vong mỗi năm.
Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục mở rộng dịch vụ điều trị, tăng số người được điều trị ARV, triển khai các sáng kiến, cập nhật các khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới.
Bên cạnh mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện cho điều trị HIV, lao và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại tuyến huyện, điều trị trong trại giam, cơ sở điều trị khép kín, ngành tăng cường chất lượng điều trị như tiếp tục triển khai các can thiệp về quản lý chất lượng điều trị, dự phòng và giám sát HIV kháng thuốc, tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật về điều trị HIV/AIDS tại các tỉnh, thành phố. Triển khai các hoạt động thông tin truyền thông về hiệu quả điều trị thuốc ARV đến các cộng đồng nguy cơ cao; đồng thời thúc đẩy mở rộng thị trường cung ứng thuốc ARV trong nước, tạo thuận lợi cho việc cung ứng thuốc ARV qua bảo hiểm y tế.