Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV
Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), các trung tâm y tế TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và H.Long Thành với sự tham gia của 418 người, đạt 111% so với chỉ tiêu đề ra.
* PrEP giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên tới 90%
BS Vũ Thị Ngọc, Khoa HIV/AIDS CDC cho biết, PrEP là một biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, góp phần quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm HIV. Một người chưa nhiễm HIV khi dùng PrEP có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên tới 90%. Loại thuốc này giúp cho những người chưa bị lây nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao có thể dự phòng lây nhiễm HIV.
Với mục tiêu hướng tới không còn người nhiễm HIV vào năm 2030, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, bên cạnh các biện pháp can thiệp giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV đối với những người nhiễm HIV thì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất để dự phòng lây nhiễm HIV.
PrEP an toàn cho người dùng, cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để nhóm có nguy cơ cao như nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới hay các cặp dị nhiễm HIV (tức là một người nhiễm HIV và một người chưa bị nhiễm HIV) được dễ dàng tiếp cận dịch vụ dự phòng này.
Anh N.V.A. (ngụ TP.Biên Hòa) là một trong những người tham gia chương trình điều trị PrEP đầu tiên tại phòng khám và điều trị PrEP CDC chia sẻ: “Tôi là một đồng giới nam, chung sống với bạn tình đã 2 năm. Tôi ý thức được nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao khi quan hệ tình dục đồng giới nên khi biết việc điều trị PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV, tôi đã tham gia và luôn tuân thủ uống thuốc đều đặn”.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những đối tượng có nguy cơ cao muốn dùng PrEP cần được sự tư vấn, khám, xét nghiệm kỹ từ bác sĩ. Bởi những đối tượng sau không sử dụng được PrEP: Người có HIV dương tính hoặc chưa xác định được; người có dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhiễm HIV cấp tính; những người rối loạn chức năng thận; người dị ứng với thuốc (tenofovir và Emtricitabine); người phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ.
* Mở rộng điều trị PrEP
Phó giám đốc CDC Trần Minh Hòa cho biết, Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút lao động từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước về đây làm việc. Bên cạnh sự phát triển của công nghiệp, các loại dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp, trong đó có HIV/AIDS. Để đạt mục tiêu không còn người nhiễm HIV vào năm 2030 thì việc mở rộng điều trị PrEP là rất cần thiết, giúp cho nhiều đối tượng nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ để phòng ngừa, từ đó hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng.
Theo BS Ngô Thị Kim Nga, cán bộ thuộc Tổ chức quốc tế USAIDS/PATH Healthy Markets (tài trợ điều trị PrEP), Đồng Nai là tỉnh có nhóm đối tượng đích (nhóm đồng giới nam, chuyển giới hay các cặp dị nhiễm HIV) khá đông. Ngoài 4 cơ sở đã triển khai thực hiện điều trị PrEP, năm 2021, dự án tiếp tục hỗ trợ Đồng Nai triển khai mở rộng các mô hình mới tại các trạm y tế tuyến phường, xã thuộc H.Long Thành và TP.Biên Hòa như: Trạm Y tế TT.Long Thành, An Phước, Long Bình Tân, Hóa An và 2 phòng khám tư nhân là: GLINK Biên Hòa và Alocace Biên Hòa. Kế hoạch đến năm 2021 sẽ có khoảng 3 ngàn khách hàng tại Đồng Nai được tham gia điều trị PrEP.
Giám đốc Trung tâm Y tế H.Long Thành Nguyễn Thi Văn Văn cho biết, việc mở rộng điều trị PrEP tại các trạm y tế và các phòng khám tư tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng khi tham gia chương trình điều trị này. Để đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần đẩy mạnh truyền thông để nhóm đối tượng nguy cơ cao, đối tượng đích biết về lợi ích của chương trình dự phòng trước phơi nhiễm. Từ đó, tham gia tiếp cận dịch vụ và điều trị hiệu quả.