Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Chiều 2/11, tiếp tục kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Trình bày một số nội dung lớn của Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Dự thảo Luật bám sát 5 chính sách lớn được Quốc hội thông qua, gồm: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội; Bổ sung quy định quản lý thu - đóng bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, dự án Luật đã cụ thể hóa qua định 11 nội dung lớn, trong đó nhiều điểm đề xuất ưu việt so với Luật hiện hành, như bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện... cũng như 1 số quy định giúp quản lý, thu, đóng bảo hiểm của cơ quan quản lý.
Bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH
Về quan điểm xây dựng Luật, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật, tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần làm rõ những vấn đề cần thận trọng xem xét và cân nhắc để phù hợp với thực tiễn phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta, bảo đảm của ngân sách nhà nước đối với các chính sách, chế độ có sử dụng ngân sách nhà nước, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn có tính đến việc chia sẻ.
Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội cũng cần phải bảo đảm tính đồng bộ, pháp điển hóa những quy định chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội tới tinh thần đây là của an sinh xã hội, hình thành mạng lưới an sinh xã hội và bảo đảm tính khả thi.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo luật bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc gồm:
- Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh);
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương;
- Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt);
- Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin cụ thể về việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu. Theo đó, dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục, hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.
Người lao động có thời gian đóng BHXH bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng BHXH một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi. Dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800.000 người do giảm tuổi và khoảng 300.000 người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc và tự nguyện).
Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động
Về vấn đề hưởng BHXH một lần và chi phí quản lý BHXH dự thảo luật đều nêu ra 2 phương án,. Đáng chú ý, để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu. Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH (Điều 29); đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH (Điều 36 và Điều 37). Cụ thể, quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng; cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (khoản 6 Điều 12).