Mở rộng đối tượng vay vốn đi làm nước ngoài để người dân vươn lên thoát nghèo

Chính sách vay vốn hỗ trợ việc làm, đi làm việc nước ngoài là công cụ quan trọng trong xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy di cư lao động có tổ chức. Tuy nhiên, đối tượng được vay vốn vẫn còn hẹp, khâu giám sát vay vốn cũng chưa chặt chẽ.

 Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình, chính sách vay vốn hỗ trợ việc làm, đi làm việc nước ngoài là công cụ quan trọng trong xóa đói giảm nghèo

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình, chính sách vay vốn hỗ trợ việc làm, đi làm việc nước ngoài là công cụ quan trọng trong xóa đói giảm nghèo

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định với việc vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm (tại Điều 9) và vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định (tại Điều 10), các đối tượng được vay vốn với mức lãi suất thấp.

Về vấn đề này, đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho biết, qua thực tiễn 4 năm triển khai thực hiện quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 và hơn 3 năm triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông nhận thấy các hộ gia đình được xác định là hộ nghèo và hộ cận nghèo đều có đời sống cơ bản là khó khăn như nhau, đều có nhu cầu được tiếp cận về vốn, lãi suất thấp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mở rộng đối tượng được vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc thành: "Người lao động là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo".

Đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị bổ sung thêm các đối tượng là người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo và những hộ không thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, những hoàn cảnh gia đình khó khăn được chính quyền địa phương ở nơi cư trú xác nhận.

"Qua theo dõi, giám sát, khảo sát và tiếp xúc cử tri vừa qua tại địa phương, thực tế những đối tượng này luôn có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp để lo chi phí đi lao động nước ngoài hoặc tạo việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình. Vì vậy, việc có chính sách cho các đối tượng này được vay vốn với lãi suất thấp là hết sức cần thiết, giúp họ có nguồn tiền để đi lao động nước ngoài hoặc chủ động tạo việc làm, đảm bảo việc thoát nghèo bền vững, do đó cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc", đại biểu góp ý.

Liên quan đến hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài (tại Điều 15), đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai góp ý, điều luật đã liệt kê các nhóm đối tượng được hỗ trợ, trong đó có người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ người dân tộc thiểu số mà cả người dân tộc Kinh sinh sống tại khu vực miền núi, vùng cao, biên giới cũng gặp rất nhiều khó khăn cần được tạo điều kiện để tiếp cận cơ hội việc làm bền vững.

Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Vì vậy, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị bổ sung đối tượng được hỗ trợ như sau: "Người dân tộc thiểu số, người Kinh sinh sống tại khu vực miền núi, biên giới".

"Việc bổ sung này sẽ góp phần lan tỏa hiệu quả chính sách, giúp người dân có động lực vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình và đóng góp xây dựng địa phương" – ông Sùng A Lềnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, chính sách vay vốn hỗ trợ việc làm, đi làm việc nước ngoài là công cụ quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên, các điều khoản hiện tại chỉ dừng lại ở phần điều kiện vay, chưa đủ chặt chẽ ở khâu giám sát sử dụng vốn vay và xử lý rủi ro, dự thảo không quy định rõ về cơ chế hậu kiểm sau khi cấp vốn.

"Điều này tạo khoảng trống pháp lý, dễ dẫn đến việc vốn vay bị sử dụng sai mục đích, không tạo ra việc làm thực chất hoặc nợ xấu kéo dài" - đại biểu bày tỏ lo ngại.

Từ đó, ông Thạch Phước Bình đề xuất, dự thảo cần bổ sung điều kiện người vay vốn có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng một lần về tình hình sử dụng vốn và kết quả tạo việc làm cho cơ quan quản lý nhà nước địa phương hoặc Ngân hàng chính sách xã hội. Trường hợp không sử dụng vốn đúng mục đích hoặc có dấu hiệu gian lận, tổ chức cho vay có quyền dừng giải ngân, thu hồi vốn sớm hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội

Về đối tượng thụ hưởng của chính sách, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội - khẳng định: "Chúng tôi xin được nghiên cứu và rà soát các vấn đề liên quan tới mục tiêu của chính sách, điều kiện bảo đảm cũng như tính công bằng để tiếp thu và trong này khá nhiều ý kiến đề nghị là bổ sung nhóm hộ cận nghèo cùng với nhóm hộ nghèo để được hưởng một số chính chính sách, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu vấn đề này".

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 8 chương, 58 điều (giảm 1 chương và 36 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8). Dự kiến, luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua ngày 11/6, trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, kỳ họp thứ 9.

Mai Vàng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mo-rong-doi-tuong-vay-von-di-lam-nuoc-ngoai-de-nguoi-dan-vuon-len-thoat-ngheo-20250519224541135.htm