Mở rộng đối tượng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng đối tượng được vay các dự án sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy người dân sản xuất hàng hóa có giá trị cao, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập.

Sáng 29-12, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4-10-2002 của Chính phủ. Hội nghị do đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, 20 năm qua, mặc dù có những thời điểm còn khó khăn, nhưng với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung huy động được nguồn lực lớn cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao. Qua đó, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay hơn 830.000 tỷ đồng.

Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Kiên Giang, hội nghị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn chủ trì.

Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Kiên Giang, hội nghị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn chủ trì.

Từ 8.631 tỷ đồng dư nợ nhận bàn giao của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Công thương, Kho bạc Nhà nước, đến 30-11-2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 279.732 tỷ đồng, tăng gấp 32 lần. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 21,1%. Hiện có gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ.

Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 35,7% với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo gần 30.500 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590.000 khách hàng còn dư nợ.

Đồng chí Lê Minh Khái ghi nhận và biểu dương Ngân hàng Chính sách xã hội, các cấp, các ngành đã nỗ lực trong triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội tuy đã được quan tâm bổ sung hằng năm nhưng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững. Nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu sử dụng cho vay trung, dài hạn chiếm 99,4%. Một số chương trình có thời hạn cho vay dài, tối đa đến 25 năm. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội…

Nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, nông dân xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) có vốn chăn nuôi dê, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Theo đồng chí Lê Minh Khái, Ngân hàng Chính sách xã hội cần tích cực phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng; tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

Cùng với đó cần mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, sản phẩm được tạo ra theo chuỗi giá trị, phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng miền, tạo động lực thúc đẩy người dân sản xuất hàng hóa có giá trị cao, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập.

Ngân hàng Chính sách xã hội cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương gắn kết có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các hoạt động chuyển giao khoa học - công nghệ; các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, tập huấn, đào tạo nghề; xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm... nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: “Ngân hàng Chính sách xã hội phải chủ động rà soát, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời đề xuất các sản phẩm tín dụng phù hợp với người nghèo, đối tượng chính sách xã hội. Phấn đấu thực hiện cho vay theo phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, nơi nào có người nghèo nơi đó có vốn ngân hàng chính sách xã hội”.

Tin và ảnh: ĐẶNG LINH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//trong-tinh/mo-rong-doi-tuong-vay-von-ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi-12126.html