Mở rộng hợp tác quốc tế vì an ninh toàn cầu
Hội nghị An ninh Munich (MSC) 2024 đã khép lại tại Ðức sau ba ngày diễn ra với hơn 200 sự kiện lớn nhỏ, hơn 900 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, hơn 100 bộ trưởng cũng như đại diện các tổ chức tư vấn, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt những thách thức hiện hữu nhưng cộng đồng quốc tế lại bị phân tán và chia rẽ sâu sắc, hội nghị là cơ hội để các nước tìm tiếng nói chung và thúc đẩy đoàn kết quốc tế để giải quyết nhiều vấn đề cấp bách toàn cầu.
Kể từ khi được hình thành cách đây 60 năm, Hội nghị An ninh Munich là diễn đàn hàng đầu thế giới về chính sách an ninh quốc tế, là nơi hình thành các sáng kiến ngoại giao nhằm giải quyết những mối quan ngại an ninh cấp bách. Ngoài sự kiện quan trọng nhất là hội nghị thường niên, Hội nghị An ninh Munich còn thường xuyên tổ chức các sự kiện cấp cao về các chủ đề và khu vực cụ thể, đồng thời xuất bản Báo cáo An ninh Munich hằng năm, tập hợp các số liệu và nghiên cứu liên quan về những thách thức an ninh quan trọng.
Tại hội nghị an ninh lần thứ 60 này, tầm nhìn và ý tưởng mới cho trật tự toàn cầu là một trong những khẩu hiệu được đưa ra dựa trên quan điểm không nên có “người thắng” hay “kẻ thua” giữa các quốc gia trên thế giới mà thay vào đó, mỗi quốc gia đều có thể hưởng lợi từ hợp tác quốc tế.
“Cùng thua” (Lose-Lose) là chủ đề của MSC 2024 và cũng là tiêu đề của Báo cáo An ninh thường niên 2024 của MSC.
“Cùng thua” (Lose-Lose) là chủ đề của MSC 2024 và cũng là tiêu đề của Báo cáo An ninh thường niên 2024 của MSC, trong đó, các tác giả quan ngại do căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng, nhiều chính phủ không còn tập trung vào lợi ích của hợp tác toàn cầu. Thay vào đó, theo quan điểm của nhóm tác giả, nhiều quốc gia ngày càng lo ngại được hưởng lợi ít hơn từ hợp tác quốc tế so với các nước khác. Xu hướng này có thể ảnh hưởng đến hợp tác và làm suy yếu trật tự quốc tế hiện tại.
Tìm tiếng nói chung
Ðáng chú ý, Hội nghị An ninh Munich 2024 đã trở nên đa dạng hơn bao giờ hết với nhiều tiếng nói hơn từ các nước Nam bán cầu. Ðại diện đến từ các quốc gia châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ, vốn là các nước thuộc địa cũ và đang phát triển, bên cạnh các đại biểu truyền thống từ các quốc gia công nghiệp hóa phương Tây, đều tham gia thảo luận và có tiếng nói của mình, khiến hội nghị năm nay trở thành một diễn đàn đa dạng và công bằng hơn.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan, bà Hina Rabbani Khar lập luận rằng, quan điểm của một khu vực khác là rất quan trọng khi xây dựng các chiến lược thay thế. Ðây cũng là cách nhìn nhận của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Kenya Raychelle Omamo. Bà cho rằng càng có nhiều tiếng nói từ khắp nơi trên thế giới thì các cuộc thảo luận càng thú vị và các giải pháp càng phong phú.
Chương trình chính của hội nghị tập trung tìm biện pháp giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu, trong đó có tương lai của quản trị toàn cầu và chủ nghĩa đa phương, an ninh khí hậu, an ninh hạt nhân, di cư và tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI). Các cuộc thảo luận về hiện trạng trật tự quốc tế cũng như các cuộc xung đột và khủng hoảng khu vực-từ Ukraine đến Sudan và Trung Ðông-là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Hội nghị cũng thảo luận về vai trò của châu Âu trên thế giới và mối quan hệ của Liên minh châu Âu (EU) với các đối tác. Trọng tâm của hội nghị hướng về một loạt “điểm nóng” xung đột hiện nay ở Trung Ðông và Ukraine, nhưng hội nghị cũng thảo luận cả vấn đề các quốc gia ở Nam bán cầu đang quay lưng lại với phương Tây.
Biến đổi khí hậu và di cư do môi trường bị hủy hoại cũng là mối đe dọa toàn cầu được thảo luận tại hội nghị vì đây là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà người dân trên thế giới phải đối mặt và đang tác động mạnh hơn đến các quốc gia ở Nam bán cầu. Bà Ambika Vishwanath, nhà đồng sáng lập và là Chủ tịch của Sáng kiến Kubernein, một công ty tư vấn địa chính trị có trụ sở tại Mumbai, Ấn Ðộ, phát biểu: “An ninh không còn mang ý nghĩa giống như trước đây là chỉ về quốc phòng và quân sự nữa. Nó còn là về nước, thực phẩm, sức khỏe con người và tất cả những thứ đó đều có mối liên hệ với nhau”.
Củng cố chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế
Trước hàng loạt thách thức từ xung đột, bất ổn chính trị, tình trạng mất an ninh lương thực, tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, dịch bệnh đối với đời sống con người, tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự thế giới mới vì tất cả người dân.
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, cơ chế quản trị toàn cầu theo mô hình hiện nay đang làm gia tăng tình trạng chia rẽ và cần thiết phải xây dựng “một trật tự thế giới mới vận hành vì tất cả mọi người”.
Theo Tổng Thư ký Guterres, nếu các quốc gia hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình theo Hiến chương Liên hợp quốc, tất cả người dân trên thế giới đều được sống trong hòa bình và phẩm giá. Tuy nhiên, nhiều chính phủ không thực hiện những cam kết này và hàng triệu dân thường đang phải trả những cái giá khủng khiếp, số người phải chạy nạn trên thế giới hiện đã tăng cao kỷ lục.
Ông Guterres cho rằng tình hình ở Dải Gaza là minh chứng rõ ràng cho thấy sự bế tắc trong quan hệ toàn cầu, mức độ thương vong và tính chất hủy diệt của cuộc xung đột tại đây thực sự gây choáng váng. Trong khi đó, chiến tranh cũng đang lan rộng ra toàn bộ khu vực và ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.
Tổng Thư ký Guterres cũng đề cập “Chương trình Nghị sự mới vì hòa bình”, ý tưởng được Liên hợp quốc công bố tháng 7/2023 nhằm cập nhật hóa các hệ thống an ninh tập thể trên phạm vi toàn cầu thông qua điều mà ông gọi là “một chủ nghĩa đa phương gắn kết và bao trùm”. Ông nhắc lại khuyến nghị cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tái cam kết loại bỏ vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh hơn đến vai trò của phát triển bền vững và hành động khí hậu trong ngăn ngừa xung đột.
Người đứng đầu Liên hợp quốc đồng thời cảnh báo sự gia tăng của chủ nghĩa bài Do thái, tình trạng bạo lực do hận thù tôn giáo và phân biệt chủng tộc trên thế giới. Ông kêu gọi các công ty công nghệ nêu cao trách nhiệm trong việc kiểm soát các nội dung thù hận trên không gian mạng và chấm dứt việc thu lợi nhuận từ những nội dung này.
Tại hội nghị, nhiều nước trên thế giới cùng chung lời kêu gọi củng cố chủ nghĩa đa phương và tình đoàn kết quốc tế, đồng thời cần củng cố quyền hạn và vị thế cốt lõi của Liên hợp quốc, khẳng định các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc chưa bao giờ lỗi thời mà ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mo-rong-hop-tac-quoc-te-vi-an-ninh-toan-cau-post796751.html