Mở rộng huấn luyện tại Iraq: Từ 'NATO Arab' sang 'NATO Trung Đông'?
Việc NATO hôm 12/2 quyết định mở rộng sứ mệnh huấn luyện tại Iraq được cho là bước chuyển quan trọng từ 'NATO Arab' sang 'NATO Trung Đông'.
Theo các nhà phân tích, đây là bước chuyển quan trọng từ “NATO Arab” sang “NATO Trung Đông” trong tham vọng toàn cầu hóa của liên minh quân sự này.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn ra hôm qua (12/2) tại thành phố Brussels, Bỉ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các nước thành viên đã chấp thuận tăng cường sứ mệnh huấn luyện của liên minh tại Iraq, như lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo ông Stoltenberg, sẽ tiếp quản một số hoạt động huấn luyện của Liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu: “Mọi quyết định đưa ra đều dựa trên sự tham vấn chặt chẽ với chính phủ Iraq, cũng như Liên minh quốc tế chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Chúng ta phải nhớ rằng, sứ mệnh huấn luyện là nhằm hỗ trợ Iraq và mục tiêu tất nhiên là để các lực lượng của họ trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống kẻ thù chung là IS. Điều này là vì lợi ích của tất cả chúng ta, để đảm bảo rằng IS sẽ không bao giờ có thể trỗi dậy”.
Huấn luyện và cố vấn không phải là những nhiệm vụ mới mẻ của NATO tại Iraq. Song cả 2 sứ mệnh này trước đó đã bị ngừng trệ do bất ổn khu vực sau cuộc không kích hôm 3/1 của Mỹ tại Iraq khiến tướng quân đội hàng đầu Iran thiệt mạng. Cũng chính sau vụ ám sát này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh tới sự cần thiết của một “NATO Trung Đông” để đối phó với những nguy cơ xung đột và bất ổn tại khu vực. Cùng với căng thẳng gia tăng với chính quyền Iran do người Hồi giáo dòng Shia lãnh đạo và những xung đột tại Trung Đông, lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Mỹ đã một lần nữa khơi dậy cuộc tranh luận không hề mới về vai trò toàn cầu của NATO, về sứ mệnh và phạm vi hoạt động của liên minh quân sự.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi đầu năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện rõ sự hoài nghi không chỉ đối với NATO, mà hầu kết các liên minh. Việc NATO hoạt động dựa trên các thỏa thuận đa phương và nguyên tắc an ninh tập thể có thể nói là đi ngược lại với chủ nghĩa đơn phương của nhà lãnh đạo Mỹ.
Nhìn từ bề nổi, đề xuất của Tổng thống Donald Trump dường như là nhằm thay thế cho thất bại của dự án , vốn được cho là nhằm đảm bảo sự tái phân bổ trách nhiệm giữa Mỹ và các đồng minh khu vực. Nó được đưa ra chỉ hơn 2 năm sau sự ra đời của “Liên minh chiến lược vì Trung Đông”, mà các nhà quan sát rất nhanh sau đó đã đặt tên là “NATO Arab”. Dưới sự lãnh đạo của Mỹ, một liên minh như thế được xem là nhằm bảo vệ khu vực trước mối đe dọa kép: ảnh hưởng ngày một tăng của Iran và các nhóm thánh chiến cực đoan. Tuy nhiên sự thất bại của một liên minh như thế là điều dự đoán trước bởi giữa các nước Arab không có sự đoàn kết và những nỗ lực để tạo thành một khối như vậy sẽ dẫn đến mâu thuẫn sâu sắc giữa các quốc gia trong khu vực.
Trên thực tế, quyết tâm của Mỹ toàn cầu hóa NATO không hề xung đột với vai trò của tổ chức này, vốn về mặt lịch sử là tập trung tại khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Những năm qua đã chứng kiến tham vọng của NATO vươn ra toàn cầu, khi tạo dựng các quan hệ đối tác với các nước ở xa không chỉ các nước Arab hay Trung Đông, mà còn cả Nhật Bản hay Australia để cùng tham gia các hoạt động an ninh tại những nơi xa xôi như Trung Á, châu Phi và Bắc cực.
Liệu tham vọng “NATO Trung Đông” có chịu chung số phận như “NATO Arab” hay không, song rõ ràng nó không nhận được sự hoan nghênh của toàn bộ khu vực, đặc biệt là Iran hay Syria. Trong khi đó, những nước như Nga hay Trung Quốc đã chỉ trích NATO đang theo đuổi một chiến lược toàn cầu nhằm kiềm chế những nước này hay thậm chí là tìm cách thay thế Liên Hợp Quốc để trở thành một thể chế an ninh toàn cầu./.