Mở rộng không gian phát triển từ không gian ngầm
Không gian ngầm là một phần quan trọng của các khu vực đông dân cư, đặc biệt tại các siêu đô thị như Hà Nội, giúp giải quyết các vấn đề về giao thông, cấp nước và cơ sở hạ tầng thoát nước, điện, viễn thông và các hoạt động công cộng khác.
Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội dự kiến thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc, triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, và đặc biệt là phát triển không gian ngầm đô thị.
Giải bài toán giao thông đô thị
Trong bối cảnh quỹ đất nội thành ngày càng cạn kiệt, tạo sức ép lớn lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, việc phát triển không gian ngầm, hệ thống giao thông dưới lòng đất là hướng đi tất yếu của các siêu đô thị hiện đại.
Theo đó, thời gian qua, Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để phát triển các hạng mục ngầm nhằm giải bài toán giao thông đô thị. Trong đó, có thể kể đến các công trình hầm chui kết nối vùng, mở ra không gian phát triển mới cho các khu vực vốn bị chia cắt trên địa bàn Thủ đô.
Đơn cử, hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến với vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng đã thông xe từ cuối năm 2022. Đây là một trong 6 dự án giao thông trọng điểm của TP Hà Nội. Hầm chui có tổng chiều dài gần 500m đi vào hoạt động đã góp phần giảm tải ùn tắc cho khu vực phía Tây Nam Hà Nội.
Cùng với các công trình hầm chui, Hà Nội cũng đang xây dựng các tuyến đường sắt đô thị với nhiều đoạn chạy ngầm dưới lòng đất, theo đó sẽ có nhiều ga ngầm được xây dựng để phục vụ vận hành tuyến và kinh doanh thương mại sau này.
Bên cạnh các hạng mục giao thông, TP Hà Nội đang tăng cường thực hiện các công trình bãi đỗ xe ngầm. Trong Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 (được phê duyệt tháng 3/2022), Hà Nội thông qua việc xây dựng 78 bãi đậu xe ngầm ở khu vực 4 quận nội đô là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, các công trình bãi đậu xe ngầm được quy hoạch xây dựng tối đa 5 tầng ngầm.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã lên kế hoạch đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm tại khu vực trung tâm nhưng kế hoạch này chưa thể thực hiện vì vướng nhiều vấn đề như: Việc tính tiền sử dụng đất tại cùng một địa điểm đối với phần đất trên bề mặt và phần ngầm, cấp quyền sử dụng đất đối với công trình độc lập mà chủ sở hữu không có bề mặt, xác định quyền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công trình ngầm, pháp luật về đất đai, đầu tư, quản lý sử dụng tài sản công chưa có quy định về việc giao, cho thuê cùng một khu đất cho hai đơn vị khác nhau...
Giảm sức ép hạ tầng đô thị
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đã đến lúc không gian ngầm trở thành một vấn đề quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển đô thị.
Và thực tế, thời gian qua, Hà Nội đã đầu tư xây dựng các công trình ngầm, như: Hệ thống hầm đường bộ, đường sắt đô thị; hệ thống đường dây, đường cáp điện lực, viễn thông và tầng hầm của các công trình xây dựng dân dụng.
Trước đó, TP Hà Nội đã công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị. Theo đó, sẽ phát triển không gian ngầm theo mô hình TOD - phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng, gồm 5 tuyến đường sắt đô thị chạy qua và 22 nhà ga đã được quy hoạch trên địa bàn 4 quận trung tâm.
Trung tuần tháng 6 vừa qua, tại cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị TP Hà Nội quan tâm đặc biệt đến không gian ngầm và hạ tầng ngầm; định hướng mở rộng không gian phát triển đô thị mới (theo trục sông Hồng, tuyến đường vành đai 4, 5 và các trục hướng tâm đô thị…). Qua đó, hình thành mạng lưới giao thông đa loại hình (đường bộ, đường sắt đô thị, hàng không, đường thủy), bảo đảm kết nối và định hướng tuyến phát triển các khu đô thị mới, thành phố vệ tinh.
Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Công Giang, Đại học Kiến trúc Hà Nội, bày tỏ quan điểm ủng hộ về định hướng phát triển không gian ngầm tại 4 quận của Hà Nội. Theo đó, hệ thống này sẽ là giải pháp hiệu quả để giảm mật độ tập trung trên mặt đất, tránh áp lực quá tải lên cơ sở hạ tầng.
“Đây là một định hướng rất tốt và sẽ phát huy hiệu quả. Tôi chỉ lấy vài ví dụ thế này: Khi xây dựng xong ga ngầm ở đường Trần Hưng Đạo (tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội), nếu như không có kết nối không gian ngầm, cứ 5 phút sẽ có khoảng 200 người đổ ra mặt đường. Không thể để như vậy được nên phải ngầm hóa để người dân đi lại. Hay như bãi xe ngầm ở Cung Văn hóa Hữu nghị chuẩn bị tiến hành, khi người dân gửi xe xong, đi lại phía dưới, có hệ thống ngầm kết nối vào không gian ga ngầm trên đường Trần Hưng Đạo hay sang ga Hà Nội cũng sẽ rất thuận tiện, không bị mưa nắng gì cả”, TS. Nguyễn Công Giang phân tích.
Thực tế, trong Quy hoạch chung xây dựng không gian ngầm đô thị, Hà Nội đã bố trí khu vực nghiên cứu chính không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thuộc địa giới hành chính 20 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín. Khu vực nghiên cứu định hướng, kết nối tại 5 đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên.
Quy hoạch sẽ phân vùng chức năng của các công trình ngầm, phân bố theo chiều ngang trong đô thị trung tâm các khu vực có tiềm năng xây dựng công trình ngầm gồm: Khu vực nội đô (nội đô lịch sử và nội đô mở rộng); khu vực phát triển mới cao tầng tại Bắc sông Hồng và chuỗi đô thị Đông vành đai 4, các dự án trong vành đai xanh và tại các trục không gian Hồ Tây - Ba Vì, Tây Hồ Tây, Hồ Tây - Cổ Loa và khu vực dọc theo hành lang các tuyến đường sắt đô thị.
Cần giải pháp đồng bộ
Đang nhận được rất nhiều sự quan tâm đặc biệt, tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế là việc phát triển không gian ngầm tại Hà Nội và các thành phố lớn hiện còn gặp nhiều khó khăn, cần nhanh chóng được tháo gỡ.
Ông Đỗ Quốc Khánh - Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, sự phát triển không gian ngầm đô thị có vai trò rất lớn nhằm giảm thiểu áp lực hạ tầng, sự quá tải trong khu vực đô thị trung tâm.
Việc khai thác, sử dụng hợp lý còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của đô thị nói chung. Tuy nhiên, thực trạng sử dụng không gian ngầm đô thị tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu, chưa tương xứng cả về số lượng lẫn chất lượng với mức độ phát triển, đặc biệt tại các đô thị lớn.
Theo đó, giới chuyên gia cho rằng, để đầu tư, phát huy hiệu quả không gian ngầm, Hà Nội cần xem xét chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch ngầm để phát triển một cách bài bản, liên kết đồng bộ cho toàn đô thị, tránh tình trạng phát triển cục bộ từng công trình, “mạnh ai nấy đào”.
Cùng với đó, để phát huy giá trị trong thực tiễn, cần phải điều chỉnh, hoàn thiện các cơ sở pháp luật có liên quan, cụ thể là Luật Đất đai. Cần phải xem xét đến quyền khai thác, sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm, không gian ngầm hiện chưa được Luật Đất đai quy định.
Các không gian ngầm phải gắn bó mật thiết với kết cấu không gian mặt đất để cung cấp và bổ sung cơ sở vật chất cho hệ thống dịch vụ còn thiếu, góp phần giải quyết vấn đề giao thông và bảo vệ môi trường cảnh quan đô thị.
Có thể thấy, khi quy hoạch ngầm được cụ thể hóa đúng cách, những công trình ngầm được kết nối, đồng bộ sẽ tạo nên một hệ thống không gian ngầm mang lại giá trị thặng dư cho đô thị. Vì vậy, cần thêm nhiều giải pháp, cơ chế đặc thù giúp không gian ngầm được mở rộng, phát huy hiệu quả và tiết kiệm.