Mở rộng quy mô tổ chức Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh
Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 2 năm 2024, do Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức đã khởi động ngày 18/12.
Cuộc thi năm nay mở rộng quy mô tổ chức, với sự phối hợp thực hiện chính của ba thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, hướng đến mục tiêu thúc đẩy đào tạo, tìm kiếm và phát triển các tài năng trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Việt Nam.
Cuộc thi dành cho sinh viên, học viên tại các trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn quốc có ý tưởng, dự án, đề tài nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Với chủ đề “Chuyển đổi kép phát triển Thành phố xanh bền vững”, cuộc thi không giới hạn ý tưởng cũng như các lĩnh vực tham gia dự thi, tập trung vào lập ý tưởng, thiết kế và thực hiện sản phẩm vi mạch nhằm phục vụ hoặc có liên quan đến hoạt động thúc đẩy xây dựng đô thị xanh. Để tham dự cuộc thi, thí sinh đăng ký trực tuyến trên website của cuộc thi tại địa chỉ https://icdesign.hochiminhcity.gov.vn.
Diễn ra từ tháng 12/2024 đến tháng 5/2025, cuộc thi gồm 4 vòng thi. Vượt qua vòng Sơ tuyển ý tưởng, ở vòng Hoàn thiện sản phẩm, các thí sinh, nhóm dự thi phải triển khai ý tưởng thành một sản phẩm thiết kế vi mạch hoàn chỉnh. Quá trình này, các nhóm dự thi sẽ được đào tạo và hỗ trợ từ chuyên gia.
Nhóm có sản phẩm tốt nhất được vào vòng Đánh giá chuyên môn. Từ vòng này, Ban tổ chức lựa chọn 7-10 dự án tốt nhất tham gia vòng Chung kết xếp hạng. Bên cạnh kỹ năng trình bày và phản biện của nhóm dự thi, tiêu chí quan trọng trong đánh giá mà cuộc thi tập trung đó là tính ứng dụng của sản phẩm, tác động kinh tế - xã hội dự án đem lại.
Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, đặt mục tiêu đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch
bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn. Một trong các giải pháp thực hiện là khuyến khích tổ chức các cuộc thi, giải thưởng tôn vinh cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý tưởng, sáng kiến, cách làm đột phá trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, giúp mang lại hiệu quả cao trong hoạt động và lợi ích cộng đồng.
Ông Lê Quốc Cường, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cuộc thi là cầu nối quan trọng để có thể tiếp cận và tìm kiếm các dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn đến từ nguồn lực sinh viên, học viên trên cả nước.
Cách thức tổ chức cuộc thi thể hiện rõ sự sáng tạo, tiến bộ, bền vững khi chú trọng hoạt động đào tạo, ươm tạo và hoàn thiện từ ý tưởng đến sản phẩm. Trong đó, thí sinh được đào tạo và tương tác với chuyên gia để hoàn thiện ý tưởng, quy trình thiết kế trên các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế.
Các sản phẩm được đánh giá chuyên môn trước khi ban giám khảo doanh nghiệp đánh giá tại vòng chung kết để khẳng định sự hoàn thiện về công nghệ, tính ứng dụng, khả năng ươm tạo và thương mại. Đặc biệt, những dự án đoạt giải cao tiếp tục nhận được hỗ trợ ươm tạo, tiến tới phát triển và chuyển giao sản phẩm cho sản xuất. Đây là cách thức tổ chức trên cơ sở một hệ sinh thái ngành mà Hiệp hội vi mạch bán dẫn toàn cầu SEMI cùng các doanh nghiệp dẫn đầu về thiết kế vi mạch như Cadence, Synopsys, Siemens đang thực hiện.
Năm 2023, Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh được Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức lần đầu tiên thu hút sự tham gia của nhiều thí sinh với gần 40 dự án. Nhiều dự án có ý tưởng thiết kế vi mạch khá mới mẻ, được chuyên gia, doanh nghiệp vi mạch đánh giá cao về tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn, thương mại hóa ra thị trường. Cuộc thi tạo dấu ấn trong cộng đồng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Thành phố.