Mở rộng quyền khởi kiện cho người tiêu dùng

Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đề cập đến trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng hoặc khi đi kiện chủ hàng, hãng sản xuất…

Sáng 2-11, theo nghị trình, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Làm gì để người tiêu dùng khiếu nại, kiện được chủ hàng

Tại tổ Đoàn ĐBQH TP.HCM, ĐB Phạm Khánh Phong Lan lo ngại cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng khi sử dụng dược phẩm giả, thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Từ đó, nữ ĐB đề nghị luật này cần làm rõ trách nhiệm của cả ba bên: Doanh nghiệp cung ứng hàng hóa dịch vụ, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước.

Theo bà Lan, người bán hàng không nói dối nhưng thường không nói hết sự thật, nhất là về những hạn chế của sản phẩm. Tuy nhiên, họ cũng không phải chịu trách nhiệm về việc này.

Đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần làm rõ trách nhiệm của cả ba bên: Doanh nghiệp cung ứng hàng hóa dịch vụ, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần làm rõ trách nhiệm của cả ba bên: Doanh nghiệp cung ứng hàng hóa dịch vụ, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Trong khi đó, người mua thường là người yếu thế hơn, nếu lỡ mua phải hàng hóa không đạt chất lượng cũng phải cắn răng chịu. “Ít người tiêu dùng đi kiện, nếu có thì thủ tục rườm rà” - bà Lan nói và đề xuất dự thảo luật cần thiết kế theo hướng đơn giản các thủ tục để người tiêu dùng dễ dàng khiếu kiện.

ĐBQH đoàn TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh việc phải bổ sung vai trò quản lý nhà nước trong dự thảo luật, xuyên suốt từ khâu thẩm định, cấp phép (bước đầu tiên để bảo vệ người tiêu dùng) cho đến thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Bà Lan dẫn một ví dụ từ thực tiễn mà theo bà là “rất đau xót” - sự kiện liên quan đến thuốc giả của VN Pharma. “Việc xử lý vụ thuốc giả trị ung thư H-Capita và nhiều loại dược phẩm giả, dược phẩm kém chất lượng mấy năm trước, những người dân đã sử dụng thuốc không được bồi thường thiệt hại là chưa thỏa đáng. Ngay cả một số bệnh viện đã đấu thầu mua thuốc cũng là nạn nhân, vì những loại thuốc đã mua đã được cấp phép, được chứng nhận hẳn hoi” - bà Lan nói.

Nhắc lại vụ việc vi phạm của nhãn hàng pate Minh Chay, ĐB Trần Kim Yến cho rằng Ban soạn thảo luật chưa thấy hết mức độ nguy hiểm của hàng hóa bị lỗi khi đưa ra thị trường và cũng chưa nêu cụ thể về giải pháp, thời gian thu hồi.

“Sản phẩm lỗi có khi ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏa của không chỉ một người mà là nhiều người. Luật cần phải quy định về việc thu hồi sản phẩm trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất để không ảnh hưởng thêm đến những người tiêu dùng khác” - ĐB Yến đề xuất.

Ngoài ra, ĐB Yến cũng nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo quyền được tiếp cận, sử dụng hàng hóa an toàn, chất lượng cho số đông, tránh tình trạng “từ bàn ăn đến bệnh viện và nghĩa trang rất gần”.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ góp ý dự thảo luật chưa đề cập đến trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại với những người tiêu dùng yếu thế. Bà Lệ kiến nghị dự thảo bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này, để người tiêu dùng yếu thế thực sự được bảo vệ tốt hơn.

Cần dẹp quảng cáo kiểu “người nổi tiếng vướng bá bệnh”

Tại Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn nhận xét trong quan hệ mua bán, người tiêu dùng được xem như “thượng đế” nhưng thực tế sau khi mua hàng lại thành... “nô lệ”. Từ đó, ông Sơn cho rằng việc sửa đổi luật lần này cần khắc phục được những vấn đề bất cập, “ngược đời” như trên.

ĐB Hà Nội lý giải có thể do cơ chế bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng quá phức tạp, không tạo thuận lợi trong việc đi đòi quyền lợi khiến họ có tâm lý ngán ngại. Cạnh đó, chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe khiến người tiêu dùng cảm thấy không thỏa mãn khi đi khiếu nại.

ĐB Hà Nội cũng nêu lên tình trạng quảng cáo quá… hớp. “Tôi thấy văn nghệ sĩ “yếu đuối” lắm, ai cũng bị bệnh cả, đều bị vướng… bá bệnh. Một người mà quảng cáo bán thuốc suốt ngày, với đủ thứ chứng/bệnh từ đau lưng, đau gối, đau đầu… đến cả yếu sinh lý. Họ là những người nổi tiếng, ảnh hưởng, chi phối nhận thức, hành vi của người tiêu dùng nên cần phải chấn chỉnh” - ông Sơn nêu vấn đề và lưu ý các quy định của dự thảo luật cần quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong môi trường số, kinh tế số.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà đánh giá các quy định của dự thảo đang đẩy trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sang chính... người tiêu dùng. Ông Hà dẫn chứng về cơ chế giải quyết tranh chấp, dự thảo quy định vụ án bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, đương sự (người tiêu dùng) phải có chứng cứ đầy đủ để chứng minh. Trong thực tế, có những loại hàng hóa khó đánh giá chất lượng như thuốc, hàng tiêu dùng bị ngâm tẩm hóa chất, cần phải có chuyên môn và máy móc hiện đại mới phát hiện được.

“Quy định của pháp luật phải lường trước và giải quyết khó khăn, vướng mắc để bảo vệ tốt nhất người tiêu dùng. Quy định còn chung chung, chưa cụ thể, khó hiểu, khó áp dụng… nên tôi băn khoăn dự thảo luật này sẽ chưa thể bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng” - ông Hà nêu ý kiến.•

“Không hiểu sao email của tôi, các ngân hàng, nhãn hàng
đều biết”

Cũng trong sáng 2-11, các ĐBQH thảo luận tại tổ dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

ĐB Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) phản ánh bản thân bà và nhiều người thường xuyên bị lộ thông tin cá nhân. “Tôi không hiểu vì sao tất cả email của tôi chỉ gửi những đơn vị, người quen nhưng các ngân hàng, các nhãn hàng đều biết và tiếp cận” - bà Châu nói việc này khiến email cần nhận của bà lọt thỏm giữa một “rừng” thông tin.

ĐB tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng cần bổ sung nội dung Nhà nước có biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các giao dịch điện tử. Đặc biệt là các giao dịch điện tử có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho người dân hoặc doanh nghiệp như giao dịch qua ngân hàng, mua bán online xuyên biên giới…

“Với các dịch vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, rất cần vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm an ninh, an toàn. Từ việc an ninh, an toàn về thông tin của người tiêu dùng cho đến bảo đảm an ninh, an toàn liên quan đến tài sản, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp tham gia giao dịch điện tử” - ông Duy nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/mo-rong-quyen-khoi-kien-cho-nguoi-tieu-dung-post706121.html