Mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT giúp ngăn ngừa, điều trị bệnh mạn tính, hiếm, hiểm nghèo từ sớm

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi cho người tham gia BHYT đặc biệt là các quyền lợi để giúp ngăn ngừa, điều trị bệnh từ sớm, từ xa...

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh thông tin này tại lễ mít tinh nhân dịp 15 năm "Ngày BHYT Việt Nam" do Bộ Y tế tổ chức hôm nay (1/7) tại Hà Nội. Hôm nay cũng là tròn 15 năm thực hiện Luật BHYT đầu tiên của Việt Nam và 15 năm Ngày BHYT Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc Bộ Y tế, BHXH Việt Nam cùng nhiều đại biểu bộ, ban, ngành, đoàn thể tham dự sự kiện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: "BHYT là chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và nhà nước, là cơ chế tài chính công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe..."

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: "BHYT là chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và nhà nước, là cơ chế tài chính công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe..."

Quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỷ đồng cho khám chữa bệnh BHYT

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Chính sách BHYT của nước ta phát triển qua nhiều giai đoạn. Cột mốc đánh dấu sự phát triển chính sách BHYT quan trọng nhất là việc Quốc hội ban hành Luật BHYT năm 2008.

Ngày 01/7/2009, Luật BHYT đầu tiên của Việt Nam này chính thức có hiệu lực thi hành, đây là cơ sở pháp lý cao nhất đầu tiên để thể chế hóa quan điểm của Đảng và nhà nước ta về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em, người già.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Tiếp đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được ban hành vào năm 2014. Luật BHYT được ban hành là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT, tác động tích cực đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT.

Trải qua 15 năm triển khai thực hiện Luật BHYT đầu tiên của Việt Nam, với sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, chính sách BHYT của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Với tỷ lệ người tham gia tăng, quyền lợi được mở rộng và số chi khám chữa bệnh BHYT tăng, BHYT đã trở thành nguồn tài chính chủ yếu cho chăm sóc sức khỏe nhân dân ở nước ta...

Thông tin tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã đưa ra "những con số biết nói", đó là: Số người tham gia BHYT ngày càng gia tăng. Tính đến tháng 12/2023, toàn quốc có trên 93 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 93,15% dân số.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh.

Đáng chú ý là trong bối cảnh kinh tế, xã hội chịu ảnh hướng lớn của đại dịch COVID 19, tỷ lệ này chứng tỏ BHYT đã là một nhu cầu của đời sống xã hội, nhận thức về ý nghĩa của việc tham gia BHYT được nâng cao, chất lượng dịch vụ y tế, dịch vụ BHYT đáp ứng sự hài lòng của người tham gia, và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong đảm bảo an sinh xã hội nói chung và BHYT nói riêng.

Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo.

"Quỹ BHYT luôn được cân đối và có kết dư đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh, bảo vệ tài chính cho người tham gia BHYT khi ốm đau bệnh tật phải khám và điều trị. Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.

Bổ sung thêm thông tin, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nêu rõ: Quỹ BHYT từ chỗ lũy kế bội chi thì từ năm 2009 đến nay cơ bản đã cân đối và có kết dư dự phòng. Năm 2023 số chi khám chữa bệnh BHYT từ quỹ BHYT là khoảng 123 nghìn tỷ đồng gấp 8 lần so với năm 2009.

Trong 15 năm qua, quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỷ đồng cho khám chữa bệnh BHYT. Quỹ BHYT đã thực sự trở thành nguồn tài chính rất quan trọng góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân.

Cùng đó, mức chi trả BHYT và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh BHYT. Quỹ BHYT đã thực sự mang ý nghĩa chia sẻ rất lớn, giữa người khỏe và người có bệnh, người đóng cao và người đóng thấp.

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh tại lễ mít tinh.

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh tại lễ mít tinh.

Làm gì để đạt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số; Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi cho y tế giảm còn 35%?

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm, với định hướng thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số; Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%;

Đến năm 2030, tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan trao tặng Kỷ niệm chương "Vì Sức khỏe nhân dân" cho các cá nhân tiêu biểu.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan trao tặng Kỷ niệm chương "Vì Sức khỏe nhân dân" cho các cá nhân tiêu biểu.

Do đó, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: tiếp tục quán triệt nhận thức sâu sắc về vai trò của BHYT như một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các chương trình công tác của các cơ quan Đảng và chính quyền.

Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; duy trì và mở rộng bền vững đối tượng tham gia BHYT, đặc biệt là tham gia BHYT theo hộ gia đình, phấn đấu đến năm 2025 là 95% dân số, đến năm 2030 đạt trên 95% dân số tham gia BHYT.

Cùng đó,tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người lao động, thân nhân người lao động, các đối tượng yếu thế. Rà soát bảo đảm không bỏ sót các đối tượng, thực hiện bao phủ BHYT đến mọi đối tượng trong xã hội; tính toán đề xuất mức đóng phù hợp để bảo đảm khả năng cân đối của quỹ BHYT.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các cá nhân, tập thể tiêu biểu.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các cá nhân, tập thể tiêu biểu.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ khám, chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức thực hiện; chia sẻ, sử dụng thông tin hiệu quả giữa các cơ sở y tế;

Đồng thời, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực, cơ sở vật chất; tạo điều kiện cho các bệnh viện tư nhân tham gia chăm sóc, khám chữa bệnh bằng BHYT, góp phần giảm tải cho các bệnh viện cấp chuyên sâu và giảm thiểu tình trạng lãng phí.

"Song song đó khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý đấu thầu, mua sắm, sử dụng thuốc và thiết bị y tế theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, công khai minh bạch. Đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT phù hợp giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT bảo đảm kiểm sát tốt việc chi tiêu khám chữa bệnh BHYT, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người tham gia và cho cơ sở khám chữa bệnh BHYT"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam trao tặng Bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho các cá nhân và tập thể.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam trao tặng Bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho các cá nhân và tập thể.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc xây dựng chế tài chặt chẽ để yêu cầu các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm y tế theo Luật BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT; lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Ngoài ra, mạnh công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để mỗi người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị hiểu về lợi ích, trách nhiệm và quyền lợi để chủ động, tích cực tham gia BHYT. Đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, đồng bộ.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương trì sự nghiệp BHXH Việt Nam cho các cá nhân tiêu biểu.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương trì sự nghiệp BHXH Việt Nam cho các cá nhân tiêu biểu.

Về phía cơ quan BHXH Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nêu rõ, ngành BHXH Việt Nam và ngành Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đề xuất mở rộng các quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia BHYT; áp dụng thông tuyến BHYT giữa các cơ sở khám chữa bệnh với bệnh nhân đã chẩn đoán bệnh và cần điều trị chuyên khoa sâu;

Đồng thời, ban hành các quy trình, quy chế, công cụ kiểm soát chặt chẽ chi phí khám chữa bệnh BHYT; Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT, giảm chi phí không cần thiết, tiết kiệm, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi, sử dụng lãng phí quỹ BHYT để tập trung mọi nguồn lực cho khám, chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh hiếm, bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo và nhóm người có hoàn cảnh khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng các đại biểu truyền thông về BHYT.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng các đại biểu truyền thông về BHYT.

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh: Chủ đề của Ngày Bảo hiểm Y tế năm nay là "Sử dụng hiệu quả quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở" rất có ý nghĩa và kịp thời – đặc biệt khi hệ thống y tế của Việt Nam đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu về sức khỏe của người dân trong tương lai.

TS Angela Pratt lưu ý 2 điểm chính về chủ đề này này. Thứ nhất, chủ đề nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế một cách hiệu quả và tiết kiệm – tức là sử dụng nguồn lực hữu hạn để hỗ trợ tốt nhất có thể cho đại đa số người dân.

"Điều đó cũng có nghĩa chúng ta cần phải khôn ngoan và cân nhắc trong việc thiết kế những dịch vụ nào được quỹ chỉ trà và cách thức khuyến khích phù hợp để các đơn vị dịch vụ y tế cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả nhất" -

Thứ hai, chủ đề này cũng nhắc nhở chúng ta về việc bảo hiểm y tế có thể góp phần củng cố hệ thống y tế cơ sở như thế nào - một ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam và cũng là chương trình hoạt động của WHO.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc thiết kế chính sách và thanh toán BHYT có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc xác định các dịch vụ được cung cấp ở mỗi cấp độ của hệ thống y tế và do đó là đòn bẩy quan trọng để định hướng toàn bộ hệ thống tới chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mo-rong-quyen-loi-cho-nguoi-tham-gia-bhyt-giup-ngan-ngua-dieu-tri-benh-man-tinh-hiem-hiem-ngheo-tu-som-169240701130308645.htm