Mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Ngày 20/9, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm với chủ đề 'Phát triển thị trường sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi' sự tham gia trao đổi, thảo luận của các khách mời đại diện Cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp nhằm chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm hàng hóa tại khu vực này
Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã và đang là động lực thúc đẩy phát triển thị trường, tạo ra nền tảng căn bản cho sản xuất sản phẩm, hàng hóa khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và phát triển sản xuất, tiêu thụ cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những giải pháp cũng như Chương trình để triển khai các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ như Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, các Chương trình về khuyến công, các Chương trình đưa hàng hóa, thực phẩm an toàn vào các kênh phân phối,… và nhiều đề án, chương trình khác nữa đã đều dành một lượng không gian cũng như kinh phí cho các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số triển khai.
Đặc biệt, trong giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã triển khai nhiệm vụ quan trọng đó là hướng dẫn cho các địa phương triển khai nhiệm vụ đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp được mạng lưới chợ của vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hạ tầng thương mại quan trọng ở vùng này, thúc đẩy được thương mại hai chiều, đưa được hàng hóa lên với đồng bào dân tộc cũng như là đưa hàng hóa của đồng bào dân tộc về xuôi, về các vùng miền mà có thị trường sôi động
Đồng thời, hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đưa được hàng hóa đi xa hơn, tham gia vào thị trường trong nước. Điều này là một bước tiến mạnh mẽ cũng như là giải pháp đồng bộ khi trong Chương trình mục tiêu quốc gia, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng đã đều được phân công những nhiệm vụ rất là cụ thể, rõ ràng.
Điều này để việc phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ là trách nhiệm của các tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, làm sao để kết nối vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hoàn toàn hòa nhập vào công cuộc đổi mới của đất nước Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, khi Việt Nam đã ký đến 17 Hiệp định thương mại tự do và biến những sản phẩm cũng như là lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trở thành những lợi thế cạnh tranh trong công cuộc mà Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Đồng tình với những chia sẻ của bà Lê Việt Nga, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn thông tin, cùng với chính sách của Nhà nước, tỉnh Lạng Sơn cũng đã ban hành những chính sách và các cơ chế đặc thù, kế hoạch, các quy hoạch để tổ chức thực hiện các hoạt động thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như thúc đẩy sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp nông thôn.
“Với việc triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần khuyến khích và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững và hướng về xuất khẩu. Nhiều vùng sản xuất tập trung cũng đã được hình thành và hiện tại cũng đang duy trì thực hiện tốt, nhiều sản phẩm của địa phương đã được bảo hộ về sở hữu trí tuệ và góp phần phát triển thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh tế.” - Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Gắn phát triển thương hiệu sản phẩm với văn hóa bản địa và phát triển du lịch
Tại Tọa đàm, ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cho biết, Việt Nam đã được định vị trên bản đồ trà mà trong các vùng trà cổ thụ, Suối Giàng được mệnh danh là thủy tổ của trà cổ thụ trên thế giới, đây là cơ hội để trà Việt được công bố với thế giới.
Với những đam mê trà cổ thụ Shan tuyết, ông Đào Đức Hiếu đã quyết định ở lại Suối Giàng để cùng bà con thoát nghèo và thoát nghèo bền vững nhờ tiềm năng đặc sản trà cổ thụ địa phương. Đến nay, sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ tại một vùng nghèo ở trên đỉnh núi đã đạt được chứng nhận OCOP 4 sao và chứng nhận Ecocert, tiêu chuẩn Organic của châu Âu - giấy thông hành xuất khẩu đi 26 thị trường trên cả nước với mã số vùng trồng, và ISO trong sản xuất.
Cùng với việc kết hợp sản xuất kinh doanh trà với phát triển du lịch, Suối Giàng giờ đã là nơi để du lịch “chữa lành” vừa có thể săn mây, vừa có thể thưởng trà, và đỉnh núi bắt đầu đón nhiều du khách hơn. Từ đây, bà con dân tộc không còn phải rời quê hương để đi lập nghiệp, mà họ có thể sinh kế tại nơi họ sinh ra và lớn lên.
Bên cạnh đó, ông Đào Đức Hiếu cũng tự hào chia sẻ, được sự quan tâm của lãnh đạo trong Chính phủ, Nhà nước và các Bộ, ngành đã trao sứ mệnh trở thành thương hiệu quốc gia, trà Shan tuyết cổ thụ đã lần lượt chinh phục từ khách sạn 5 sao ở Hà Nội đến chinh phục hệ thống sân bay và hiện tại trà Shan tuyết cổ thụ của Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng đã có mặt trong Văn phòng Chủ tịch nước.
“Đây là những nỗ lực không chỉ của cá nhân mà còn là của cả tập thể bà con sinh sống và làm việc trên đỉnh núi xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.” - ông Đào Đức Hiếu nhấn mạnh.
Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu trà với sản lượng hơn 200.000 tấn/năm, thế nhưng giá trà vẫn đang rất rẻ so với thế giới. Với mong muốn và khát khao thay đổi con đường trà Việt, ông Đào Đức Hiếu cho biết, cần có một chiến lược quốc gia về trà, để trà Việt có vị thế mới, không chỉ là xuất khẩu qua các thùng cac-ton, không phải đóng hàng tấn trà mà phải đóng từng gam trà xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, hoặc để cả thế giới phải về Việt Nam mua trà.
Đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước qua hệ thống phân phối
Ông Đào Đức Hiểu cũng chia sẻ, trước khi đưa sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ ra cả thế giới, việc khai thác thị trường trong nước, đưa sản phẩm của mình vào hệ thống phân phối lớn cũng là mong muốn của doanh nghiệp.
“Để có thể chứng minh được năng lực của mình trong việc đáp ứng đủ tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất để bà con có thể lan tỏa câu chuyện của trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đến gần hơn với thị trường trong nước, thì hợp tác xã rất mong muốn có thể đưa sản phẩm của mình vào chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối trong nước.” - Ông Đào Đức Hiếu chia sẻ.
Về vấn đề này, ông Trần Hoàng, Giám đốc siêu thị Co.opmart Victoria Hà Nội cho biết, Sài Gòn Co.op luôn ủng hộ và sẵn sàng giao lưu, hợp tác với các đơn vị sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các hợp tác xã, các đơn vị sản xuất nông nghiệp nhằm hỗ trợ, giúp cho các đơn vị này quảng bá được hình ảnh, thương hiệu, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Chúng tôi rất ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho những hợp tác xã, những doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là bà con miền núi đưa sản phẩm hàng hóa chất lượng của mình vào hệ thống phân phối của chúng tôi” - ông Trần Hoàng nhấn mạnh.
Thời gian qua, chuỗi siêu thị đã có những chính sách ưu tiên hơn cho hàng hóa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, đã ký kết những hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để có được những sản phẩm tốt đưa ra thị trường phục vụ khách hàng. Còn Còn đối với những nhà sản xuất, những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, chuỗi siêu thị cũng đã hỗ trợ bằng nhiều biện pháp, ví dụ như chúng tôi hỗ trợ, hướng dẫn họ hoàn thiện được những cái hồ sơ, thủ tục, để họ đảm bảo được hồ sơ đưa vào hệ thống.
Bên cạnh đó, chuỗi siêu thị cũng dành những vị trí trưng bày đẹp nhất, nơi nhiều khách hàng qua nhiều nhất để bố trí những gian hàng đặc sản ba miền, góp phần giúp họ quảng bá được những sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng tại hệ thống Co.opmart.
Ngoài ra, công tác truyền thông, PR những sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng được đặt ở các vị trí ưu tiên trên những cuốn cẩm nang mua sắm, poster, trên các trang thông tin đại chúng, nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm hàng hóa của khu vực này.
Đồng bộ giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Tuy nhiên, với những tiềm năng, lợi thế rất lớn của sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì việc kết nối, phát triển thị trường trong thời gian qua mới chỉ đáp ứng được phần nào.
Để phát triển thị trường cho hàng hóa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn nữa, thì cần hơn nữa sự chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương cũng như doanh nghiệp để có thêm nhiều hơn nữa các sản phẩm của khu vực này có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng tại thị trường trong và ngoài nước.
Là đại diện cơ quan quản lý nhà nước, bà Lê Việt Nga cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường đẩy mạnh các chương trình, đề án đã có những tác động tích cực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo ra những nền tảng căn bản cho phát triển thương mại tại khu vực này.
Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tới cộng đồng người tiêu dùng tại thị trường trong nước và cũng như tại thị trường nước ngoài thông qua kênh hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các Luật Đầu tư, đầu tư công, đất đai, quản lý tài sản công, cụ thể là cải tạo, xây dựng các trợ truyền thống hoặc hỗ trợ cho các tiểu thương xây dựng những điểm bán hàng phục vụ cho đồng bào dân tộc.
Bên cạnh đó, rà soát lại những văn bản của Bộ Công Thương đang triển khai những nhóm nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao để cập nhật tình hình mới vào việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho bà con dân tộc thiểu số, đặc biệt là hỗ trợ gắn kết văn hóa du lịch với thúc đẩy kết nối giao thương tại khu vực này.
Ngoài ra, để tiếp tục kết nối đưa hàng hóa là lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia vào chuỗi cung ứng, cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp cũng như hợp tác xã cần nâng cao năng lực sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa của khu vực này.
Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ hơn về mặt tổ chức, công nghệ và nhân lực nhằm thu hút bà con chung tay xây dựng những vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, làm cơ sở cho phát triển thị trường sản phẩm, hàng hóa tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, tham gia hệ thống phân phối trong và ngoài nước.