Mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển thương hiệu hàu giống Kim Sơn

Những năm gần đây, sản xuất hàu giống phát triển mạnh trên địa bàn các xã vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, đã trở thành hướng đi mới, tạo nguồn sinh kế ổn định cho người dân.

Mô hình sản xuất hàu giống Kim Sơn (Ninh Bình). Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Mô hình sản xuất hàu giống Kim Sơn (Ninh Bình). Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Để vùng sản xuất ngày càng phát triển bền vững, tỉnh Ninh Bình đang có nhiều chính sách hỗ trợ người nuôi từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển thương hiệu hàu giống để mở ra cơ hội làm giàu cho người dân vùng bãi bồi nơi đây.

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Năm 2020, anh Nguyễn Văn Tuyên, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà trại sản xuất hàu giống. Với tổng diện tích 6.300 m2, anh bắt đầu sản xuất hàu giống kết hợp nuôi tôm. Đến nay, mỗi năm gia đình anh thu hoạch khoảng trên 140 triệu con giống hàu với doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Tuyên cho biết, mô hình sản xuất hàu giống đảm bảo về môi trường vì nuôi tảo tự nhiên, thời gian quay vòng nhanh, ít chịu ảnh hưởng về thời tiết do có nhà xưởng để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng... Trong quá trình sản xuất hàu giống, anh ký hợp đồng trực tiếp với các công ty thủy sản ở Quảng Ninh, Nha Trang về tiêu thụ con giống, đảm bảo ổn định về đầu ra và tương tác hỗ trợ giữa doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.

Kim Trung là xã có địa hình thổ nhưỡng phù hợp để sản xuất hàu giống với hệ thống kênh mương được tu sửa thường xuyên, tạo điều kiện cấp - tiêu nước theo thủy triều cho các hộ sản xuất. Cùng với đó, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị tư vấn, trình HĐND xã điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện để người dân sản xuất giống thủy sản tập trung ven hệ thống kênh cấp I, từ đó giúp bà con làm giàu từ nuôi hàu giống.

Hiện, trên địa bàn xã Kim Trung có hơn 600 hộ nuôi trồng thủy sản với diện tích 277 ha; trong đó, riêng nuôi hàu giống diện tích khoảng 110 ha, đem lại lợi nhuận cao. Năm 2023 sản lượng hàu giống toàn xã khoảng 8 tỷ con giống, doanh thu đạt 55 tỷ đồng. Có thể khẳng định, nuôi hàu giống là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi tôm, cua biển, lại ít tác động ảnh hưởng nhiều đến môi trường.

Với hiệu quả kinh tế đem lại, nghề nuôi hàu giống được các cấp chính quyền xã Kim Trung đặc biệt quan tâm, tiếp cận đa dạng các nguồn lực hỗ trợ chính sách giúp các hộ nuôi phát triển sản xuất. Ông Vũ Trường Thu, Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết, nghề nuôi hàu giống đã và đang đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Do đó, chính quyền xã rất ủng hộ người dân phát triển sản xuất theo ngành nghề này. Ngoài cơ chế chính sách hỗ trợ về đất, hiện xã đang tập trung vào việc kêu gọi nguồn lực đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống kênh mương vùng nuôi trồng thủy sản, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Hàu giống tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Hàu giống tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Nghề nuôi hàu giống mới xuất hiện ở huyện Kim Sơn từ khoảng năm 2016, tập trung ở vùng nuôi trồng thủy sản của 3 xã Kim Đông, Kim Hải và Kim Trung. Từ hiệu quả bước đầu, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất và mở rộng trại nuôi. Cùng với các loại con nuôi thủy sản vùng ven biển như tôm, cua, ghẹ..., hiện nay sản xuất hàu giống đang là một trong những thế mạnh, đem lại thu nhập cao, ổn định cho nhiều ngư dân vùng ven biển Kim Sơn.

Ông Vũ Văn Tấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết, Kim Sơn có nhiều tiềm năng, lợi thế sản xuất giống hàu như điều kiện tự nhiên thuận lợi, các chỉ số môi trường rất phù hợp để phát triển giống hàu; chất lượng giống hàu Kim Sơn cao hơn so với các địa phương khác cũng như giống hàu nhập ngoại với tỉ lệ sống cao hơn, sản lượng, năng suất cao hơn... Với quy trình, kỹ thuật nuôi tối ưu, hàu giống Kim Sơn đảm bảo tốt những tiêu chí của người nuôi thương phẩm như con giống dày, phát triển nhanh, chất lượng hàu thương phẩm tốt, bám cả 2 mặt giá thể. Hàu giống Kim Sơn đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Hàu giống huyện Kim Sơn”. Do vậy hiện giống hàu Kim Sơn có giá cao hơn và được ưa chuộng ở hầu hết các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng... Đặc biệt, Kim Sơn cũng đã có quy hoạch cho vùng sản xuất giống, đây cũng là lợi thế tiềm năng rất lớn cho sản xuất hàu giống tại địa phương.

Nâng cao giá trị

Mặt dù, nghề nuôi hàu giống tại Kim Sơn mới chỉ phát triển mạnh những năm gần đây, nhưng nơi đây lại là vùng nuôi hàu giống có tốc độ tăng trưởng đáng kể, mang lại nguồn thu ổn định cho bà con nông dân, đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình thì hiện tại toàn vùng có hơn 350 cơ sở với diện tích hơn 354 ha sản xuất ngao giống, hàu giống tập trung ở các xã Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung và thị trấn Bình Minh. Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện lên đến hơn 4.467 ha; trong đó, giống hàu đạt 13,5 tỷ con chủ yếu được cung cấp cho tỉnh Quảng Ninh để nuôi thành hàu thương phẩm và cung cấp cho một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa... dùng làm thức ăn cho tôm hùm.

Năm 2023, doanh thu từ nghề nuôi hàu giống trên địa bàn huyện đạt khoảng 240 tỷ đồng, có nhiều trang trại thu nhập từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Điều này cho thấy, nghề nuôi hàu giống ở huyện Kim Sơn đang phát triển rất tốt và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Mô hình sản xuất hàu giống tại xã Kim Trung (Kim Sơn, Ninh Bình). Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Mô hình sản xuất hàu giống tại xã Kim Trung (Kim Sơn, Ninh Bình). Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Nhận thức rõ những lợi thế không nơi nào có được, huyện Kim Sơn đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Gây giống, phát triển tảo làm thức ăn cho hàu, cải tạo hệ thống thủy lợi, xử lý nguồn nước… Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc cam kết trong Bản ghi nhớ về việc phối hợp cung ứng, quản lý chất lượng giống nhuyễn thể với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh ký năm 2020. Nhờ đó, đã hình thành và phát triển được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàu giống.

Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình cũng ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/10/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 - 2025 qua đó hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về sản xuất hàu giống để bà con học tập. Ngoài ra tỉnh cũng có các chương trình khuyến nông, khuyến ngư giúp Kim Sơn xây dựng các mô hình tuyên truyền cho các hộ sản xuất hàu giống. Chi cục Thủy sản cũng phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy sản (Hải Phòng) tổ chức các lớp đào nghề sơ cấp trong thời gian 3 tháng cho các hộ sản xuất. Sau khi được đào tạo các hộ cũng rất nhanh nhạy áp dụng vào thực tế.

Tiềm năng và cơ hội phát triển là vậy, nhưng nghề sản xuất hàu giống ở huyện Kim Sơn vẫn phải đối mặt với một số khó khăn nhất định như việc quản lý sản xuất và dịch vụ giống còn nhiều hạn chế; các cơ sở dịch vụ giống thủy sản chưa phát triển mạnh; việc đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống xử lý nước sạch chưa đồng bộ, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng còn nhiều bất cập; việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ còn hạn chế… Do đó, hiện nay huyện mới khai thác được khoảng 40 - 50% năng suất.

Ông Phạm Văn Hải, Phó trưởng phòng Hành chính, Phụ trách Trạm Thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh, Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Bình cho biết, để hàu giống nâng cao giá trị, phát triển bền vững thì thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung tuyên truyền cho các hộ nuôi giữ gìn chung về môi trường và thường xuyên cập nhật công nghệ mới để nâng cao giá trị, chất lượng con giống. Đặc biệt là mở nhiều lớp tập huấn kiến thức sản xuất hàu giống, góp phần nâng cao kỹ thuật sản xuất cho các hộ nuôi trong vùng và xây dựng các chính sách để hỗ trợ các hộ nuôi…

Việc đẩy mạnh phát triển nghề nuôi hàu giống Kim Sơn cũng là một trong những chủ trương nhằm thúc đẩy phát triển ngành thủy sản, nhất là đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các ngư dân chuyển hướng từ việc khai thác gần bờ sang phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Thùy Dung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/mo-rong-thi-truong-tieu-thu-phat-trien-thuong-hieu-hau-giong-kim-son-20240721134539484.htm