Mở rộng thị trường xuất khẩu hàng Việt Nam

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng hơn nữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, xem đây là nguồn lực quan trọng, là lợi thế giúp phát triển các kênh phân phối và xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thế giới.

Sản phẩm cà-phê trái cây thương hiệu Meet More (thành phố Hồ Chí Minh) bán tại một số hệ thống siêu thị lớn ở Mỹ, Australia. (Ảnh CTV)

Sản phẩm cà-phê trái cây thương hiệu Meet More (thành phố Hồ Chí Minh) bán tại một số hệ thống siêu thị lớn ở Mỹ, Australia. (Ảnh CTV)

Theo các chuyên gia và doanh nhân kiều bào, người tiêu dùng ở các nước phát triển ngày càng yêu cầu chất lượng hàng hóa cao hơn. Vì vậy, sự cạnh tranh trên thị trường hàng tiêu dùng ở các nước cũng ngày càng gay gắt, khốc liệt hơn. Do đó, bên cạnh bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như tiêu chuẩn riêng của nước sở tại, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa Việt Nam cần thay đổi sản phẩm theo hướng bao bì nhỏ gọn, tinh tế; thân thiện môi trường, ghi đầy đủ thông tin sản phẩm bằng hai ngôn ngữ… nhằm giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh cũng như có thể tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng.

Năng động, thay đổi tư duy

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ (VENUSA) cho biết: Tiềm lực kinh tế của cộng đồng người Việt và người gốc Á tại Mỹ ngày càng lớn mạnh. Số doanh nghiệp gốc Việt đứng thứ ba về số lượng doanh nghiệp gốc Á (sau doanh nghiệp gốc Trung Quốc và Ấn Độ), với khoảng hơn 310 nghìn cơ sở kinh doanh, tạo ra doanh thu khoảng 35 tỷ USD/năm. Hiện tại, Mỹ có hơn hai triệu người gốc Việt sinh sống, với thu nhập trung bình đạt 60.000 USD/hộ gia đình/năm; tiêu dùng khoảng 57 tỷ USD/năm, tức 27.000 USD/người/năm.

Người gốc Việt tại Mỹ cũng đam mê mạng xã hội và dành khá nhiều thời gian để kết nối, tìm hiểu thông tin trên các mạng xã hội nổi tiếng như Facebook, Twitter, YouTube, Instagram… Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Phú, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng các hoạt động xúc tiến thương mại và cầu nối thị trường hiện có. Trong đó, tích cực tham gia các hoạt động kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại tại Mỹ; xây dựng các dự án nghiên cứu thị trường chuyên biệt đối với các mặt hàng và nhóm thị trường mục tiêu tại các khu vực khác nhau của Mỹ.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh đổi mới và nghiên cứu kênh phân phối, quảng bá sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Cần nghiên cứu kỹ quy định pháp luật của Mỹ để tránh trở thành mục tiêu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, nhất là các mặt hàng nguyên liệu trung gian phục vụ cho sản xuất công nghệ cao tại bang California. Tăng cường hợp tác với chính quyền bang, hạt và thành phố trọng điểm, tăng cường kết nối với các hiệp hội ngành hàng…

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Ngọc Mỹ (Việt kiều Australia) cũng đã cam kết sẽ sớm thiết lập những không gian trưng bày sản phẩm cho doanh nghiệp Việt Nam tại một số thành phố lớn ở Australia; triển khai hằng tháng các chuyến “Business and Golf Tour” cho các doanh nhân, nhà đầu tư nhằm kết nối doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường, tìm hiểu cơ hội đầu tư, du học cho con em và giao lưu với các doanh nhân tại Australia.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Pacific Foods Lê Bá Linh (Việt kiều Thái Lan) cho rằng: Phải đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử bằng việc đưa sản phẩm hàng Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Alibaba... để người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội tiếp cận và mua sắm. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng được các rào cản kỹ thuật; tận dụng, hưởng được các ưu đãi, cơ hội của các nước tham gia các FTA…

Còn theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc Phan Thị Trà My, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải bảo hộ thương hiệu trước khi đi ra nước ngoài. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy, nên đầu tư sản xuất những sản phẩm thị trường cần. Doanh nghiệp mới phải luôn tận dụng mọi cơ hội, mối quan hệ, kênh truyền thông để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; sử dụng nhiều nhân viên người bản địa…

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) Trần Phú Lữ cho biết: ITPC sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả việc phối hợp với các hội đoàn, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia, trí thức của người Việt Nam ở nước ngoài trong công tác vận động các doanh nhân, doanh nghiệp Việt kiều làm đầu mối nhập khẩu trực tiếp hàng hóa Việt Nam hoặc làm đại lý, đại diện cho hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam; vận động các chuyên gia, trí thức, doanh nhân Việt kiều hỗ trợ chuyển giao những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng khẳng định: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, doanh nhân người Việt ở nước ngoài nói riêng là nguồn lực lớn đối với việc thúc đẩy công tác đưa hàng Việt Nam ra thế giới. Để phát huy được lợi thế đó, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài cần tập trung vào các nhóm giải pháp đa dạng hóa, mở rộng hình thức, quy mô hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng ở nước ngoài.

Đồng thời, hình thành các liên kết chiến lược giữa các doanh nghiệp phân phối; giữa phân phối và sản xuất, nhằm góp phần tăng cường liên kết nội bộ, liên kết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong, ngoài nước để hình thành, phát triển chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa có giá trị, ổn định, bền vững và ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng chí Phan Thị Thắng cũng đề nghị Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố phối hợp với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài phát huy vai trò của mỗi kiều bào là một đại sứ hàng Việt tại nước sở tại; vừa kết nối, tuyên truyền cho cộng đồng kiều bào ở nước ngoài ưu tiên sử dụng hàng Việt; vừa kết nối, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến giao thương, quảng bá rộng rãi hàng Việt đến với bạn bè quốc tế.

Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Hồ Hải đề nghị các sở, ngành cần nghiên cứu và chủ động thực hiện các biên bản ghi nhớ được ký kết giữa cơ quan quản lý của Việt Nam và hệ thống phân phối của kiều bào ở nước ngoài. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài. Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố tiếp tục chủ động, nỗ lực phối hợp các đơn vị liên quan, các hội đoàn doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thông tin và các cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia và khu vực tập trung nhiều người Việt Nam ở nước ngoài sinh sống.

HOÀNG LIÊM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/mo-rong-thi-truong-xuat-khau-hang-viet-nam--700241/