Mở rộng tiếp cận tín dụng nhà ở xã hội

Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024 đã có những sửa đổi theo hướng giảm các thủ tục hành chính và mở rộng điều kiện cho người mua nhà ở xã hội sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng.

Trước hết, Luật Nhà ở hiện tại bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú của người mua nhà ở xã hội so với Luật Nhà ở năm 2014 quy định người mua nhà ở xã hội phải có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên. Luật hiện tại cũng cho phép người chưa sở hữu nhà ở, chưa mua bất cứ một nhà ở xã hội nào, thậm chí có nhà ở nhưng diện tích bình quân thấp hơn 15m2/người được tiếp cận nhà ở xã hội. Những sửa đổi cũng tạo điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân và cán bộ công chức… (tại khoản 5 Điều 76 đối với người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; khoản 6 đối với công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp; khoản 8 đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác).

Nếu trước đây, quy định thu nhập của người mua nhà ở xã hội là không thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân thì Luật Nhà ở hiện tại đã điều chỉnh và đưa ra mức cụ thể phù hợp với thực tế, bao gồm: người độc thân có thu nhập thực lĩnh không quá 15 triệu đồng/tháng, người đã kết hôn có tổng thu nhập thực tế thực lĩnh của hai vợ chồng không quá 30 triệu đồng/tháng. Điều 76 Luật Nhà ở 2023 cũng đã sửa đổi và bổ sung thêm một nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội so với quy định hiện hành là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, với điều kiện thu nhập theo Luật Nhà ở hiện tại sẽ có nhiều người tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng hơn để mua nhà ở xã hội. Người mua nhà ở xã hội có thu nhập chứng minh được là nguồn trả nợ. Và sau này, khi thu nhập tăng sẽ làm tăng khả năng đảm bảo trang trải chi phí sinh hoạt, đời sống và trả nợ vay vốn ngân hàng. Yếu tố tạo lập dòng tiền này sẽ thuận lợi cho việc giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo an cư lập nghiệp và phát triển kinh tế bền vững.

Đại diện NHNN tin tưởng rằng Luật Nhà ở mới giúp mở rộng và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng như gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, với lãi suất cho vay hiện nay ở mức 6,5%/năm, trong thời hạn 20 năm hoặc 25 năm và mức vốn vay từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng dựa trên giá trị định giá căn nhà ở xã hội. Dựa trên cơ sở xác định thu nhập của người vay vốn mua nhà ở xã hội quy định trong Luật Nhà ở hiện tại cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại thẩm định phê duyệt cho vay. Hệ thống ngân hàng duy trì khả năng đáp ứng vốn tín dụng ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội tạo lập cuộc sống cho người có thu nhập thấp.

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi về tiếp cận vốn ngân hàng cho người mua, Luật Đất đai 2024 cùng với Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với thời hạn luật định là để tạo ra cơ hội cho chủ đầu tư thực hiện nhà ở xã hội. Ông Huỳnh Thanh Khiến, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu trước đây khi chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội được miễn, giảm tiền sử dụng đất sẽ không được thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất để vay vốn thực hiện dự án và nếu chủ đầu tư cần vốn phải tìm một tài sản khác để thế chấp, khiến các chủ đầu tư ngần ngại, không mặn mà đầu tư nhà ở xã hội. Nhưng ở luật mới, điều này đã được tháo gỡ, chủ đầu tư có quyền và nghĩa vụ như trường hợp không được miễn hoặc không được giảm tiền sử dụng đất.

Hải Nam

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/mo-rong-tiep-can-tin-dung-nha-o-xa-hoi-155185.html