Mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành và dự án đường Vành đai 4 TPHCM: Đề xuất là dự án quan trọng quốc gia, đẩy nhanh đầu tư

Từ ngày 18 đến 20-3, Báo SGGP đã có loạt bài Gấp rút mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành, phản ánh nhu cầu hết sức cấp bách mở rộng tuyến cao tốc này khi dự kiến năm 2026, sân bay quốc tế Long Thành đưa vào khai thác. Mới đây, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề xuất đưa dự án mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành và dự án đường Vành đai 4 TPHCM vào danh mục dự án quan trọng quốc gia.

Rốt ráo chuẩn bị đầu tư

Bộ GTVT cho biết, dự án mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành có tổng chiều dài 21,92km. Theo phương án đầu tư, đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 sẽ mở rộng hoàn chỉnh theo quy hoạch 8 làn xe; đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng mở rộng lên 8 làn xe; 2 vị trí cầu (cầu Sông Tắc và cầu trong nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - Km24+646) mở rộng hoàn chỉnh theo quy hoạch 10 làn xe.

Dự án cũng xây dựng 1 đơn nguyên cầu Long Thành quy mô như cầu hiện tại; kết cấu toàn bộ cầu cạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ đầu tư hoàn chỉnh đảm bảo khả năng mở rộng lên 10 làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư 14.339,50 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại). Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư) cho biết, dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn 2024-2028, trong đó công tác chuẩn bị đầu tư sẽ hoàn thành vào tháng 2-2025.

 Ùn tắc trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành thường xuyên diễn ra. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ùn tắc trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành thường xuyên diễn ra. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đối với dự án đường Vành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài gần 207km, đi qua 4 địa phương gồm: Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM. Hiện các địa phương đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2024. Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của các địa phương, dự án đường Vành đai 4 TPHCM giai đoạn 1 sẽ được đầu tư theo quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp liên tục, dải phân cách giữa.

Ở giai đoạn 1, các địa phương sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt (8 làn); tổng mức đầu tư khoảng 127.230 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công - tư (PPP - hợp đồng BOT). Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với sở GTVT các địa phương cập nhật hướng tuyến của dự án đường Vành đai 4 TPHCM vào hồ sơ quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến, hồ sơ sẽ được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý 3-2024.

Đẩy nhanh tiến độ

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, việc đề xuất 2 dự án nói trên vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT cho thấy ý nghĩa đặc biệt của các dự án đối với việc phát triển mạng lưới giao thông vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Trong đó, dự án mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành nếu sớm triển khai sẽ giúp giải quyết tình trạng kẹt xe nghiêm trọng trên tuyến và khai thác đồng bộ với sân bay quốc tế Long Thành.

Tương tự, dự án đường Vành đai 4 TPHCM sẽ làm tốt vai trò kết nối đô thị, phục vụ hạ tầng cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đón đầu các dự án đang và sắp triển khai trong tương lai. Hơn thế, khi dự án này được khai thác, các địa phương trong vùng có thể kết nối với nhau mà không cần phải đi qua nội thành TPHCM.

Đặc biệt, khi nằm trong danh mục dự án quan trọng quốc gia, 2 dự án này sẽ được đẩy nhanh tiến độ nhờ cơ chế quản lý giám sát riêng của Ban Chỉ đạo Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương liên quan là thành viên.

Theo đó, ban chỉ đạo sẽ kiểm tra, điều hòa phối hợp và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc triển khai dự án, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Trong các trường hợp đặc biệt, ban chỉ đạo có thể mời các tổ chức, chuyên gia để tư vấn đề xuất phương hướng, giải pháp để thực hiện dự án.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 2 dự án nói trên sẽ được đẩy nhanh tiến độ bởi thực tiễn triển khai các dự án đường bộ cao tốc thuộc danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT cho thấy, thời gian chuẩn bị đầu tư và thiết kế kỹ thuật, lập dự toán có thể rút ngắn từ 18 tháng còn 10 tháng. Như vậy, riêng dự án mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành có thể hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tháng 12-2027, rút ngắn 6 tháng so với đề xuất của VEC.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, hiện cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần nằm trong danh mục các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai.

Hiện các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tiến độ, tập trung vào các vấn đề như thủ tục đầu tư; việc cấp, khai thác mỏ vật liệu thông thường phục vụ các dự án theo cơ chế, chính sách đã ban hành; vấn đề phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra và có công cụ để can thiệp... Nhờ vậy, hàng loạt dự án giao thông lớn đang được đẩy nhanh tiến độ, sớm phát huy hiệu quả đầu tư.

MINH DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mo-rong-tuyen-cao-toc-tphcm-long-thanh-va-du-an-duong-vanh-dai-4-tphcm-de-xuat-la-du-an-quan-trong-quoc-gia-day-nhanh-dau-tu-post743430.html