Mở rộng vùng sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm tiềm năng
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Cầu Ngang đẩy mạnh quy hoạch phát triển, mở rộng vùng nông nghiệp hình thành vùng sản xuất thâm canh, luân canh cây trồng, vật nuôi tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tạo nhiều cơ hội giúp nông dân xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang là địa phương có thế mạnh trồng dưa hấu, bắp giống, đậu phộng,… với lợi thế đó, nhiều doanh nghiệp đến liên kết xây dựng vùng sản xuất, bao tiêu đầu ra sản phẩm, đặc biệt là cây bắp giống.
Đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: năm 2024, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với hơn 20ha; dự kiến năm 2025, các doanh nghiệp tiếp tục liên kết với nông dân sản xuất 40ha bắp giống tập trung ở các ấp Huyền Đức, Bào Mốt, Ô Răng, Sóc Giụp,… với giá bao tiêu 16.000 đồng/kg.
Mô hình trồng bắp giống của xã được duy trì và luân canh trên đất lúa từ nhiều năm qua, mang lại lợi nhuận cao hơn gấp 1,5 lần trở lên so với độc canh cây lúa, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn thực hiện chuyển đổi tái cơ cấu cây trồng.
Song song với cây bắp giống, dưa hấu là một trong những cây trồng tiềm năng của xã sản xuất liên tục từ 03 - 04 vụ/năm tập trung ở đất giồng cát ấp Huyền Đức, Sóc Giụp,… Vụ dưa hấu mùa này, nông dân xuống giống 151ha, năng suất bình quân đạt 19 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 85 triệu đồng/ha.
Bà Thạch Thị Danh, ấp Huyền Đức vào thời điểm thu hoạch dưa trái non, bà Danh cho biết: với 01ha đất giồng cát, hàng năm trồng 04 vụ dưa hấu, mỗi vụ được mùa, được giá lợi nhuận từ 60 - 80 triệu đồng/ha. Vụ dưa hấu cuối năm này sắp thu hoạch, năng suất ước đạt 20 - 25 tấn/ha, giá bán hiện nay 8.800 đồng/kg, lợi nhuận từ 80 - 90 triệu đồng/ha.
Đồng chí Thạch Thị Thu Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang cho biết: đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trong điều kiện biến đổi khí hậu. Nổi bật mô hình tôm công nghệ cao trên ao lót bạt góp phần tăng thu nhập thúc đẩy kinh tế địa phương.
Để phát huy thế mạnh và tiềm năng nghề nuôi thủy sản, những năm qua huyện đầu tư xây dựng 08 dự án thủy lợi phục vụ chuyển đổi sản xuất với hơn 600 tỷ đồng, phục vụ hơn 7.300ha nuôi trồng thủy sản ở các xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, Thạnh Hòa Sơn, Long Sơn, Mỹ Hòa, Mỹ Long Bắc…; tiếp tục đẩy mạnh nuôi thủy sản ở 03 vùng nước mặn, lợ và ngọt theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá, nghêu, cua biển,... chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả cao, lợi nhuận trung bình từ 150 - 250 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 20 lần trở lên so với trồng lúa.
Trong năm 2024, nuôi tôm sú sản lượng thu hoạch ước đạt 8.300 tấn, năng suất bình quân đạt 3,3 tấn/ha; tôm thẻ chân trắng sản lượng thu hoạch ước đạt hơn 24.000 tấn, năng suất bình quân đạt 5,8 tấn/ha (trong đó có 225 hộ thả nuôi thâm canh với 568 ao lót bạt với 86ha). Giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ước đạt 6.722 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực thủy sản 4.178 tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập bình quân ước trên 80 triệu đồng/người/năm.
Nông dân Đoàn Văn Khôi, ấp Cái Già Bến, xã Hiệp Mỹ Đông là một trong những hộ dân đã chuyển thành công từ đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm sú hơn 10 năm nay với thu nhập lợi nhuận hàng năm từ 50 - 70 triệu đồng.
Ông Khôi cho biết: nghề nuôi tôm năm ăn, năm thua, 02 năm gần đây giá tôm thường xuyên không ổn định nên ông thả nuôi tôm sú rải vụ trong năm. Với gần 0,8ha diện tích mặt nước, ông thiết kế 03 ao thả nuôi xoay vòng rải vụ 02 đợt/năm. Trước Tết thả nuôi 3.000 tôm sú giống/ao hiện đang phát triển tốt, sản lượng đạt ước hơn 01 tấn, lợi nhuận vài chục triệu đồng; các ao nuôi còn lại ông dự kiến thả trong Tết.
Theo đồng chí Thạch Thị Thu Hà, năm 2025 là năm diễn ra đại hội đảng bộ cấp cơ sở, ngoài việc tập trung tổ chức tốt đại hội, trong kế hoạch sản xuất năm 2025, huyện chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân sử dụng đất trồng lúa nằm trong các vùng, khu vực chuyển đổi định hướng phát triển sản xuất của Nhà nước để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo đúng quy định.
Nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất đồng bộ các loại cây trồng, vật nuôi chuyển đổi trên đất lúa; khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào vùng quy hoạch chuyển đổi.
Tổ chức liên kết giữa các hộ sản xuất thành tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã hỗ trợ, đầu tư, hướng dẫn nông dân sản xuất, hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, đầu ra, chế biến sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị ngành hàng.
Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Phối hợp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản chủ lực.