Mở rộng vùng sản xuất rau màu chế biến

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều vùng sản xuất rau màu chế biến quy mô lớn có sự liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để mở rộng diện tích, phát triển bền vững loại cây trồng này, một số địa phương có chính sách hỗ trợ đối với người dân, hợp tác xã (HTX).

Hiệu quả kinh tế cao

Bên cạnh phát triển nhóm rau ăn lá, huyện Tân Yên có điều kiện thuận lợi nâng diện tích nhóm cây rau màu chế biến. Toàn huyện có hơn 600 ha rau màu chế biến các loại như cà chua bi, dưa bao tử, khoai tây, ngô ngọt, bí… mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây trồng khác. Trong đó, cây ớt với diện tích khoảng 150 ha cho giá trị sản xuất đạt 300 - 400 triệu đồng/ha/vụ. Cà chua bi, dưa bao tử diện tích gần 50 ha, giá trị sản xuất đạt 210 - 250 triệu đồng/ha/vụ; khoai tây hơn 300 ha, giá trị sản xuất đạt hơn 150 triệu đồng/ha/vụ… Các sản phẩm được doanh nghiệp (DN), HTX ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ với giá bán cao, ổn định.

 Mô hình trồng dưa chuột bao tử tại phường Đa Mai (TP Bắc Giang).

Mô hình trồng dưa chuột bao tử tại phường Đa Mai (TP Bắc Giang).

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên, trên địa bàn huyện đang có khoảng 20 DN, tổ chức, cá nhân ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa, ngô ngọt, khoai tây, cà chua bi, bí... Đây là những loại cây trồng có giá trị thu nhập cao, chi phí đầu tư thấp, chu kỳ sản xuất ngắn, thị trường tiêu thụ lớn, ổn định. Ví dụ như khoai tây được Công ty cổ phần GVA, Viện Sinh học Nông nghiệp, HTX Nông nghiệp Hoàng Linh ký hợp đồng tiêu thụ với giá ổn định 7 nghìn đồng/kg, giá trị sản xuất đạt 150-165 triệu đồng/ha/vụ.

Vụ đông năm nay, huyện Tân Yên chỉ đạo mỗi xã, thị trấn xây dựng mới ít nhất 1 vùng sản xuất tập trung rau màu chế biến (từ 1-2 ha/vùng) bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ngân sách huyện hỗ trợ xây dựng 2 mô hình sản xuất rau chế biến đạt tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Ngọc Thiện, Lan Giới. Đi kèm với đó là hỗ trợ kinh phí 5 triệu đồng/vùng cho ban điều hành thôn tham gia chỉ đạo sản xuất cây rau quả chế biến tập trung và 6 triệu đồng/ha đối với các hộ dân sản xuất cây rau màu chế biến xuất khẩu tại các xã: Lan Giới, Đại Hóa, Ngọc Lý, Cao Xá, Việt Lập, Tân Trung (điều kiện hỗ trợ là có quy mô sản xuất từ 2 ha/vùng trở lên).

Nhiều năm nay, xã Tư Mại (Yên Dũng) đã hình thành vùng sản xuất khoai tây lớn nhất huyện với diện tích khoảng 100 ha, năng suất 700 kg/sào, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha. Để thúc đẩy sản xuất vùng khoai tây, mỗi năm, ngân sách huyện hỗ trợ 10 triệu đồng/ha. Hằng năm, việc tiêu thụ sản phẩm diễn ra khá thuận lợi, nhiều DN, thương nhân ký hợp đồng từ đầu vụ và về tận nơi thu mua sản phẩm.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện, những năm trước, diện tích cây rau màu chế biến chỉ chiếm một phần nhỏ, nhưng đến nay không ngừng được mở rộng và đạt hơn 1,2 nghìn ha. Để khuyến khích mở rộng sản xuất, địa phương đã quy hoạch các vùng sản xuất cây rau màu chế biến, chủ yếu là ngô ngọt (gần 100 ha), khoai tây (850 ha), các loại rau khác (280 ha) tập trung nhiều ở các xã: Tư Mại, Tiến Dũng, Tiền Phong, Quỳnh Sơn, Đức Giang, Đồng Việt, Xuân Phú, thị trấn Tân An… Trong đó mỗi năm, riêng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco ký hợp đồng tiêu thụ hơn 1 nghìn tấn khoai tây trên địa bàn để làm nguyên liệu chế biến.

Đẩy mạnh liên kết

Những năm qua, lĩnh vực trồng trọt của tỉnh đang có sự cơ cấu lại theo hướng liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, tăng diện tích rau an toàn, rau chế biến và giảm một số loại cây lương thực khác. Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, năm 2023, diện tích rau màu chế biến của tỉnh đạt gần 5 nghìn ha, năm nay, ước đạt gần 6 nghìn ha, trong đó 80% được tập trung sản xuất trong vụ đông. Sản phẩm chủ yếu gồm: Khoai tây, ngô, dưa chuột bao tử, cà chua bi, ớt, cà rốt, hành, tỏi, bí ngô…

Năm nay diện tích rau màu chế biến toàn tỉnh ước đạt gần 6 nghìn ha, trong đó 80% được tập trung sản xuất trong vụ đông. Sản phẩm chủ yếu gồm: Khoai tây, ngô, dưa chuột bao tử, cà chua bi, ớt, cà rốt, hành, tỏi, bí ngô…

Tình hình tiêu thụ các loại cây rau màu chế biến tương đối thuận lợi, sản phẩm đa dạng gồm: Đóng hộp, lọ, muối chua, muối mặn, sấy khô, đông lạnh. Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất hành, tỏi tập trung với diện tích 65 ha tại các xã Bảo Đài, Đông Phú, Cương Sơn (Lục Nam), thu nhập trên 100 triệu đồng/ha; sản xuất dưa chuột của HTX Dưa leo quê Lục Nam, quy mô 40 ha, thu 195 triệu đồng/ha...

Tại huyện Lạng Giang đang duy trì 190 ha rau màu chế biến như: Dưa chuột bao tử, dưa chuột Nhật, ngô ngọt, ớt tại các xã An Hà, Quang Thịnh, Đào Mỹ, Nghĩa Hòa… cho doanh thu bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha/vụ. Diện tích này đều được Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp Organic ký hợp đồng thu mua, bao tiêu.

Theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, đa phần rau màu chế biến đều có sự liên kết sản xuất đến tiêu thụ và hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô 7-10 ha/vùng. Những địa phương có diện tích rau màu chế biến lớn là Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên, Hiệp Hòa, Lục Nam...

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục khuyến khích việc tích tụ ruộng đất, thuê, mượn đất để hình thành các vùng sản xuất cây rau màu hàng hóa tập trung. Kèm theo đó là đẩy mạnh tuyên truyền nông dân sản xuất theo nhóm hộ, tham gia thành viên HTX, tổ hợp tác để làm trung tâm, đầu mối ký kết hợp đồng, liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; trong đó phát huy vai trò dẫn dắt của DN, HTX trong việc ký hợp đồng liên kết ngay từ đầu vụ để cung ứng vật tư đầu vào, giám sát chặt quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tích cực hướng dẫn nông dân áp dụng giống mới, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất rau màu chế biến, đầu tư xây dựng mô hình trồng rau màu an toàn.

Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật khuyến cáo, do phần lớn cây rau màu chế biến tập trung vào vụ đông nên thời gian tới, việc thu hoạch lúa mùa cần nhanh gọn để giải phóng đất nhằm bảo đảm kịp thời vụ. Nông dân, HTX tận dụng tốt các điều kiện về đất đai, nhân lực... để mở rộng diện tích gieo trồng các loại rau màu chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Đồng thời chủ động ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ để bảo đảm cung - cầu ổn định.

Bên cạnh đó, để tăng diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác, ngành chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh thu hút các DN có năng lực đầu tư chế biến nông sản theo hướng hiện đại, sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu. Khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ trên địa bàn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/mo-rong-vung-san-xuat-rau-mau-che-bien-073438.bbg