Mở rộng xưởng may tạo thêm việc làm cho phụ nữ trong thôn
Khi bắt tay mở xưởng may gia công chị Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1973, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) luôn nghĩ đến việc mở rộng quy mô, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ trên địa bàn...
Chị Nguyễn Thị Xuân tại xưởng may của mình
Từng là một hộ gia đình kinh tế khó khăn, nay gia đình chị Nguyễn Thị Xuân đã thực hiện thành công "xóa đói giảm nghèo" nhờ mô hình xưởng may gia công. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà công việc tại xưởng may của chị còn giúp đỡ các hội viên phụ nữ có công ăn việc làm ổn định.
Xuất phát từ nghề làm nông cũng như đa số những người dân của thôn Phú Cường, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Xuân không được như mong muốn. Thu nhập vẫn còn khó khăn, vật dụng trong nhà đơn sơ, chi tiêu phải dè xẻn… Chị Xuân và chồng đã lo lắng không biết phải làm như nào để kiếm đủ thu nhập cho các con ăn học và chăm chút cho gia đình.
Cho đến năm 2019, với ý chí "giảm nghèo, làm giàu", vợ chồng chị Nguyễn Thị Xuân đã quyết định rẽ sang một lối đi khác đó là mở xưởng may gia công. Từ không có kinh nghiệm đến mày mò học hỏi, hai vợ chồng đã thành công tiến hành các bước để hoàn thiện xưởng may, như thuê nhân công, tìm đầu mối hàng,... Cho đến nay, xưởng may gia công Lâm Xuân của vợ chồng anh chị gây dựng đã duy trì được 4 năm.
Vào thời điểm bắt đầu, do chưa có kinh nghiệm, hàng loạt các vấn đề khi thành lập xưởng đã nảy sinh như tìm nguồn hàng, nguyên liệu uy tín ở đâu? Phải quản lý xưởng may như nào cho hợp lý?... May mắn, nhờ chịu thương chịu khó, các mối hàng đều do chồng chị Xuân bôn ba đi tìm về, còn chị Xuân lo việc tại xưởng may. Dần dà xưởng may Lâm Xuân đã có uy tín và độ nhận diện ở một mức độ nhất định, nên đơn hàng ngày càng nhiều hơn.
Lúc đầu xưởng chỉ có vài công nhân là hàng xóm quanh nhà. Sau đó, chị Xuân thấy xung quanh mình, các chị em làm ruộng còn rảnh thời gian mà không có thu nhập, nên chị quyết chí mở rộng xưởng để tuyển thêm nhân công, giúp chị em địa phương có việc làm ổn định, thoát nghèo.
Hiện tại, xưởng may của chị đã tạo công ăn việc làm cho hơn 20 nữ công nhân, trong đó có các hội viên, phụ nữ trong khu và các khu lân cận. Thu nhập trung bình một tháng của mỗi người từ 4,5 triệu đến 7 triệu đồng.
Tại xưởng may gia công Lâm Xuân, có không ít công nhân là mẹ đơn thân, hay người bị đau chân không di chuyển được nhiều,… chị Xuân đều nhận vào làm, giúp chị em kiếm thêm thu nhập. "Đôi khi trong công việc cần có sự nhân ái, đồng cảm", chị Xuân chia sẻ.
Theo chị Xuân, công việc may mặc có phần bộn bề và bụi vải có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nên hai vợ chồng chị cũng đã có những biện pháp hạn chế ô nhiễm cho gia đình và công nhân.
Hiện tại, xưởng may của gia đình chị Xuân đã hoạt động hiệu quả và có lượng khách hàng ổn định. Hai vợ chồng đã thành công khi đưa gia đình thoát khỏi diện nghèo, thậm chí còn giúp đỡ rất nhiều người trong địa phương.
Theo chị Hà Thị Hồng Hạ - Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, mô hình xưởng may gia công của gia đình chị Xuân là một trong những điển hình về làm kinh tế của địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mà xưởng may Lâm Xuân đã giúp nhiều chị em có việc làm ổn định.
Gia đình chị Xuân cũng đề ra chủ trương rõ ràng và chiến lược đầu tư dài hạn, tạo môi trường làm việc thông thoáng và an toàn, bảo đảm sức khỏe của công nhân.
Hội LHPN xã Lương Sơn đã có những hỗ trợ thiết thực cho gia đình chị Xuân trong quá trình kinh doanh như tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng chính sách và quỹ TYM.
Song song đó, chị Xuân còn là một hội viên gương mẫu tích cực tham gia mọi phong trào của Hội, các hoạt động của khu dân cư... Bản thân chị và gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Từ câu chuyện của bản thân, chị Xuân luôn khuyên các chị em, các hộ nghèo xung quanh: Hãy cứ mạnh dạn tìm kiếm cơ hội để cải thiện đời sống của bản thân và gia đình, cùng chung tay góp sức "giảm nghèo - tăng giàu" cho địa phương mình sinh sống.