Mỏ sắt Trại Cau sẽ dừng hoạt động để tránh sụt lún
Mỏ sắt Trại Cau chính thức đi vào khai thác từ năm 1963, nơi cung cấp tinh quặng sắt cho Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, từng là cánh chim đầu đàn, cái nôi của nền công nghiệp luyện kim Việt Nam. Sau gần 60 năm, Mỏ sắt Trại Cau sẽ dừng hoạt động, để lại nhiều nỗi niềm trong mỗi người.
NDĐT - Mỏ sắt Trại Cau chính thức đi vào khai thác từ năm 1963, nơi cung cấp tinh quặng sắt cho Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, từng là cánh chim đầu đàn, cái nôi của nền công nghiệp luyện kim Việt Nam. Sau gần 60 năm, Mỏ sắt Trại Cau sẽ dừng hoạt động, để lại nhiều nỗi niềm trong mỗi người.
Thời kỳ cao điểm, Mỏ sắt Trại Cau ở thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) có khoảng bốn nghìn chuyên gia nước ngoài, cán bộ kỹ thuật và công nhân làm việc, cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Gang thép Thái Nguyên hoạt động, sản xuất thép để xây dựng đất nước. Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau Vũ Đăng Khoa nhớ lại: “Nhờ có Mỏ sắt Trại Cau mà thị trấn Trại Cau ra đời. Tác phẩm văn học “Thị trấn trong rừng sâu” viết về mỏ sắt và thị trấn này, được đưa vào chương trình tiểu học một thời”.
Có thời kỳ, Mỏ sắt Trại Cau khai thác hàng triệu tấn quặng mỗi năm để phục vụ Nhà máy Gang thép Thái Nguyên sản xuất thép. Những năm gần đây, điều kiện khai thác quặng ngày càng khó khăn, phải khai thác dưới độ sâu 50- 60m so với mặt đất, địa chất phức tạp, nhưng mỗi năm Mỏ sắt Trại Cau vẫn khai thác hơn 100 nghìn tấn quặng phục vụ luyện thép của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco). Mặc dù Tisco có nhiều nguồn cung cấp nguyên liệu để nấu gang phục vụ luyện phôi và cán thép, nhưng lượng tinh quặng sắt được khai thác ở Mỏ sắt Trại Cau vẫn đóng vai trò quan trọng, bởi chất lượng tốt, được dùng để phối trộn trong quá trình nấu gang.
Ông Mạc Đăng Niên về làm công nhân Mỏ sắt Trại Cau năm 1988, đến năm 2009 thì làm Giám đốc mỏ (là đời giám đốc thứ bảy), những ngày vừa qua đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực bởi phải tạm dừng hoạt động thời gian tới. Ông Niên tâm sự: “Gần sáu thập kỷ qua, các thế hệ cán bộ, công nhân Mỏ sắt Trại Cau có nhiều đóng góp đối với kinh tế, xã hội; tới đây tạm dừng hoạt động làm cho nhiều người lưu luyến, nỗi niềm”.
Nói là tạm dừng hoạt động, nhưng ai cũng hiểu là Mỏ sắt Trại Cau sẽ không có cơ hội hoạt động trở lại. Mỏ sắt Trại Cau thời gian vừa qua khai thác ở một mỏ sắt duy nhất, mỏ tầng sâu Núi Quặng. Mỏ này hiện đang khai thác sâu tới 50-60m so với mặt đất, những năm qua nổ mìn, hút nước tháo khô moong đã tác động đến khu vực chung quanh. Cụ thể, nhiều nhà dân bị nứt, lún, đất nông nghiệp bị sụt. Tisco và Mỏ sắt Trại Cau đã chi khoảng 45 tỷ đồng để di chuyển những gia đình bị nứt nhà, hỗ trợ sản lượng cho nhân dân. Nếu càng khai thác sâu, tiếp tục nổ mìn, tháo khô moong thì tác động sẽ càng lớn nên phải dừng.
Dừng nổ mìn, dừng hút nước tháo khô moong thì địa chất chung quanh sẽ không bị tác động, nứt, sụt lún bề mặt sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, khi mực nước dưới moong dâng lên, để vận hành lại mỏ, phải hút tháo khô lượng nước này sẽ rất tốn kém và sụt lún diễn ra, Tisco và Mỏ sắt Trại Cau không có tiềm lực để giải quyết sụt lún, hỗ trợ đời sống nhân dân. Như vậy, Mỏ sắt Trại Cau sẽ chấm dứt hoạt động sau gần sáu thập kỷ.
Điều mà ông Niên lo lắng khi dừng khai thác là giải quyết những hệ lụy trong quá trình khai thác mỏ tầng sâu Núi Quặng thời gian qua, đó là còn một số gia đình có nhà bị nứt, ruộng đất bị sụt lún chưa được thống kê để đền bù, hỗ trợ. Về vấn đề này, thời gian vừa qua lãnh đạo huyện Đồng Hỷ đã đối thoại với nhân dân địa phương để lắng nghe tâm tư nguyện vọng bà con, UBND tỉnh Thái Nguyên và Tisco đã bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn để ổn định đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, khi Mỏ sắt Trại Cau dừng hoạt động, 190 cán bộ, công nhân, trong đó đội ngũ dưới 45 tuổi chiếm đến 80% nhiều năm gắn bó với mỏ không có việc làm, đời sống khó khăn. Tổng Giám đốc Tisco Nguyễn Minh Hạnh chia sẻ: Mặc dù Tisco đã và đang gặp rất nhiều khó khăn do Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chưa có lối ra, mỗi tháng phải trả gốc và lãi của dự án gần 50 tỷ đồng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho sản lượng tiêu thụ thép giảm. Nhưng với truyền thống của công nhân gang thép, chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn, tìm nguồn quặng mới để bù đắp khi Mỏ sắt Trại Cau dừng hoạt động, thu xếp để giải quyết việc làm, đời sống cho anh em.
Mỏ sắt Trại Cau dừng hoạt động để lại lưu luyến đối với nhiều người, nhất là các thế hệ cán bộ, công nhân đã từng gắn bó với mỏ. Những hệ lụy sau khi dừng hoạt động cần được sự hỗ trợ của địa phương để giải quyết ổn thỏa.