Mỏ than Phấn Mễ thừa nhận vẫn khai thác khi chưa được cấp phép mới
Mỏ than Phấn Mễ thừa nhận đơn vị này tiến hành khai thác than khi chưa được cấp giấy phép mới theo Luật Khoáng sản nhưng nêu lý do 'để phục vụ sản xuất của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên'.
Sau khi VietNamNet phản ánh thông tin Mỏ than Phấn Mễ (chi nhánh của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên – TISCO) vẫn tiến hành khai thác khối lượng lớn than mỗi ngày dù đã hết thời hạn, phải đóng cửa mỏ, dừng hoạt động khai thác để tiến hành các thủ tục cấp giấy phép mới theo quy định của Luật Khoáng sản, đơn vị này đã có văn bản giải trình.
Ông Nguyễn Xuân Tú, Phó giám đốc phụ trách Mỏ than Phấn Mễ xác nhận, từ tháng 5/2020 đến tháng 10/2020, mặc dù không được cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) cho hoạt động sản xuất, khai thác than do chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng sản mới, song việc khai thác để đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất là cần thiết nên Mỏ vẫn thực hiện khai thác (nhưng không sử dụng vật liệu nổ).
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất không có vật liệu nổ dẫn đến các đường lò không được xén, sửa chữa, hệ thống bờ tầng, sườn tầng, moong… xuất hiện đá treo có nguy cơ sạt lở. Chính vì thế, Mỏ đã báo cáo và đề nghị Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Cục ATMT – Bộ Công Thương) cho phép sử dụng vật liệu nổ cho các công việc ngoài hoạt động khai thác.
Ông Tú xác nhận, đến thời điểm hiện tại, Mỏ vẫn chưa được Bộ TN-MT cấp giấy phép mới. Tuy nhiên, TISCO đã hoàn thành việc nộp tiền sử dụng thông tin tài liệu địa chất khoáng sản, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dù chưa có quyết định phê duyệt.
Đối với việc lập các dự án đầu tư, TISCO đã triển khai lập dự án khai thác hầm lò khu vực Nam Làng Cẩm và Cánh chìm. Riêng khu vực Âm hồn (mỏ than Bắc Làng Cẩm) đang triển khai dự án chuyển đổi khai thác từ lộ thiên sang khai thác hầm lò.
Giải thích về việc, dù chưa được cấp giấy phép khai thác mới nhưng TISCO vẫn xây dựng kế hoạch sản xuất hết quý I/2021, giao định mức than sản xuất hàng tháng cho Mỏ than Phấn Mễ, ông Tú giải thích, trong quá trình hoàn thiện các thủ tục cấp đổi giấp phép khai thác khoáng sản, để duy trì nguồn nguyên liệu than mỡ cho sản xuất cũng như bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật mỏ, các hoạt động khai thác, bốc xúc đất đá… vẫn phải thực hiện.
Đồng thời, để tạo việc làm, thu nhập cho hơn 500 công nhân mỏ không có việc làm (do phải dừng khai thác từ tháng 6/2020 theo công văn 1343 ngày 27/5/2020 của Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT), TISCO vẫn phải xây dựng kế hoạch sản xuất và giao cho mỏ than Phấn Mễ thực hiện.
“Kế hoạch sản lượng khai thác của Mỏ đã tính toán phù hợp với điều kiện khai thác. Việc khai thác này không phải là khai thác trái phép vì QĐ số 17/QĐ-TTg ngày 10/1/1979 không nêu thời hạn, hiệu lực, do vậy vẫn có giá trị pháp lý, mặc dù để phù hợp với các quy định của Luật Khoáng sản thì cần phải cấp lại giấy phép mới” – công văn giải trình gửi Báo VietNamNet của Mỏ than Phấn Mễ cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Tú, sản lượng than khai thác từ thời điểm giấy phép hết hiệu lực đến nay, trung bình mỗi tháng khoảng 2.000 tấn than.
“Do đặc thù của ngành khai thác mỏ, việc khai thác phụ thuộc theo thời tiết, mùa vụ nên sản lượng không đồng đều. Mùa mưa, thời gian khai thác không thể tiến hành liên tục, chủ yếu vào mùa khô” – ông Tú giải thích thêm.
Bộ TN-MT thành lập đoàn thanh tra
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản Lại Hồng Thanh cho biết, ngày 12/3, Vụ Kiểm soát hoạt động khoáng sản (Tổng cục Địa chất Khoáng sản) đã thành lập đoàn công tác kiểm tra các nội dung Báo VietNamNet phản ánh.
Theo đó, đoàn công tác đã thực hiện lập biên bản hiện trạng, báo cáo Tổng cục; hướng dẫn, yêu cầu Mỏ than Phấn Mễ, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ; hoàn thiện hồ sơ dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính… để được tiếp tục cấp giấy phép khai thác đối với Mỏ than Phấn Mễ theo quy định của Luật Khoáng sản.
Trước đó, ngay sau khi Báo VietNamNet đăng tải thông tin, Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên đã cử đoàn công tác xuống kiểm tra thực trạng sử dụng vật liệu nổ công nghiệp do Cục ATMT (Bộ Công Thương) cấp phép cho Mỏ than Phấn Mễ sử dụng để củng cố, trùng tu hạ tầng mỏ phục vụ công tác sản xuất, khai thác sau này (sau khi được cấp giấy phép khai thác mới).
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Bá Chính thông tin với VietNamNet: “Việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của Mỏ than Phấn Mễ phải thực hiện đúng theo giấy phép của Cục ATMT (Bộ Công Thương) cấp nhằm mục đích gia cố hạ tầng mỏ, cải tạo moong, bờ tầng, sửa chữa các đường lò… Nếu đơn vị sử dụng vật liệu nổ để sản xuất, khai thác than là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý”.
Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên cũng khẳng định, thời gian tới đây, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Mỏ than Phấn Mễ cần sớm hoàn thành hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định để được cấp giấy phép, sớm đưa mỏ vào hoạt động trở lại để đảm bảo ổn định mỏ, đảm bảo thu nhập, đời sống cho hàng trăm công nhân đang rơi vào tình cảnh khó khăn do không có việc làm từ hơn một năm qua.
Mỏ than Phấn Mễ là mỏ than mỡ có trữ lượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Công ty gang thép Thái Nguyên (nay là Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) từ ngày 10/1/1979.
Ngày 27/5/2020, Tổng cục Địa chất Khoáng sản có công văn số 1343 yêu cầu TISCO dừng hoạt động khai thác, đóng cửa mỏ; thực hiện các nghĩa vụ tài chính và hoàn thiện hồ sơ pháp lý để được cấp đổi giấy phép theo quy định.
“Mỏ than Phấn Mễ cảm ơn Báo VietNamNet đã chỉ ra những việc Mỏ đã thực hiện trong thời gian qua và những việc Mỏ cần triển khai thực hiện hoàn thiện trong thời gian tới để giúp Mỏ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà TISCO giao” – văn bản giải trình cho biết.