Mở thẻ online, tín hiệu mới đầu năm cho dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Từ 1/1/2022, người dân có thể mở thẻ ngân hàng qua hình thực trực tuyến và đây có thể là một tín hiệu mở đầu năm mới, mở ra cơ hội cho các ngân hàng triển khai các ứng dụng công nghệ, phát triển các mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong giai đoạn tới.

Ngồi nhà cũng mở được thẻ

Thông tư 17/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Một trong những điểm mới đáng chú ý tại văn bản này là việc tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử (online).

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Thông tư 17 quy định tổ chức phát hành thẻ được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ được phát hành bằng phương thức điện tử.

Một trong những biện pháp về mặt quy trình để đảm bảo an toàn chặt chẽ trong phát hành và sử dụng thẻ được quy định trong Thông tư 17 là việc tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử. Quy trình này phải phù hợp với quy định tại Thông tư 19/2016/TT-NHNN, pháp luật về phòng chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về đảm bảo an toàn bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của tổ chức phát hành.

Quy trình này phải bao gồm 5 bước cơ bản: Thu thập thông tin khách hàng, xác minh thông tin, cảnh báo khách hàng những việc không được làm, cung cấp hợp đồng cho khách hàng, thông báo tên các thông tin cơ bản về thẻ cho khách hàng (tổ chức phát hành, tên thương mại, số thẻ, thời gian hiệu lực, chức năng cơ bản…).

Kỳ vọng tăng tốc các dịch vụ bán lẻ

Việc cho phép mở thẻ online là một trong những tín hiệu đầu năm 2022 trong các quy trình pháp lý của hoạt động ngân hàng, mở ra kỳ vọng sẽ có nhiều hình thức dịch vụ mới, phát triển mạnh hơn mảng kinh doanh dịch vụ bán lẻ trong lĩnh vực ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là động lực phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ và đây cũng là định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu của các ngân hàng, giúp các ngân hàng mở rộng thị trường và tạo nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế.

Đại dịch Covid-19 khởi đầu từ năm 2020 đến nay cũng một phần đang kích thích việc đẩy nhanh các ứng dụng công nghệ để phát triển các dịch vụ ngân hàng theo hướng tiếp cận rộng hơn tới công chúng. Đó là các ứng dụng mới như mobile banking, internet banking, QR code, contactless payment (thanh toán không tiếp xúc)… Những dịch vụ này có tính lan tỏa cao tới cộng đồng với tính chất chung là dễ dàng tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, không phải đến quầy giao dịch, không giới hạn về thời gian và không gian.

Một trong những điểm thuận lợi đối với các ngân hàng trong việc áp dụng công nghệ và mở rộng mảng kinh doanh bán lẻ là do Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á, với khoảng 50 triệu người (gần 50% dân số). Vì vậy, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, như internet banking, mobile banking… có tốc độ tăng trưởng vượt bậc thời gian qua, đến nay đã chiếm hơn 40% giao dịch, cá biệt có ngân hàng đạt tỷ lệ hơn 80% tổng số giao dịch; tốc độ tăng trưởng thanh toán qua Qrcode năm 2021 đạt tới 200% so với 2020. Đặc biệt, việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng đã sử dụng công nghệ để định danh khách hàng (eKYC) cũng là một trong những yếu tố để các ngân hàng mở rộng dịch vụ mảng kinh doanh bán lẻ thời gian tới.

Trong năm 2021, Chính phủ đã ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là các hành lang về mặt định hướng có tính nền tảng, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thực hiện tăng tốc chuyển đổi số, mở rộng các dịch vụ tài chính cá nhân trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

Mặc dù vậy, sự đổi mới về mặt công nghệ và sự phát triển các dịch vụ mới với tốc độ cao cũng đặt ra những yêu cầu cập nhật hệ thống pháp lý để đảm bảo sự bao quát hết các vấn đề thực tiễn. Về vấn đề này, bà Phạm Thúy Hạnh, Vụ phó Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã xem xét đề xuất sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, đây là đạo luật rất quan trọng, trong đó có nhiều nội dung mới. Ngoài ra theo bà Hạnh, nhiều nội dung liên quan đến chuyên ngành ngân hàng cũng đã được các văn bản luật giao quyền chủ động cho Ngân hàng Nhà nước trong việc cụ thể hóa tại các thông tư hướng dẫn thuộc thẩm quyền. Những nội dung này hoàn toàn có thể sửa đổi nhanh để phù hợp với các thay đổi của tình hình thực tiễn.

Quy định về hạn mức giao dịch thẻ mở online theo Thông tư 17

Tổ chức phát hành thẻ căn cứ điều kiện công nghệ áp dụng khi nhận biết và xác minh khách hàng để đánh giá rủi ro, quyết định áp dụng hạn mức giao dịch của khách hàng mở bằng phương thức điện tử. Tuy nhiên, tổng hạn mức giao dịch (bao gồm rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán) của thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước định danh hoặc thẻ tín dụng của một khách hàng không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam trong một tháng và không thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/mo-the-online-tin-hieu-moi-dau-nam-cho-dich-vu-ngan-hang-ban-le-97975.html