Mở thêm 5 vòm cầu đá Phùng Hưng
Ngày 7/7, 5 vòm cầu đá Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thuộc hạng mục thí điểm đục thông vòm cầu đợt 2, được Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội bắt đầu triển khai.
Hiện tại, khu vực vòm cầu số 79 đã được quây tôn, rào chắn, phân luồng giao thông, phục vụ công tác thi công. Dự kiến, việc đục thông vòm cầu số 79 sẽ được thực hiện trong khoảng 20 ngày, với sự giám sát của các chuyên gia Cục Đường sắt Việt Nam nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình cầu đường sắt, an toàn giao thông vận tải đường sắt cũng như công tác khai thác sau này. Việc thi công các vòm cầu cũng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, kết cấu chịu lực và nhiều quy định khác.
Tất cả 5 vòm cầu được chấp thuận đục thông đợt này là các vòm cầu từ số 79 đến số 83 thuộc khu vực gầm cầu nối từ Hàng Cót đến Hàng Giầy, đoạn đường dẫn phía Nam cầu Long Biên. Các vòm cầu đại diện cho từng kết cấu khác nhau: vòm cầu được bịt kín 2 đầu, bên trong rỗng; vòm cầu bịt kín 2 đầu bên trong lấp đất, đá... Việc chọn ra các vòm cầu đại diện cho từng loại hình để thí điểm đục thông sẽ phục vụ hiệu quả cho quá trình đục thông toàn bộ số vòm cầu dẫn bị bịt kín còn lại. Sau khi vòm cầu số 79 được đục thông, bảo đảm các yêu cầu đề ra thì đơn vị thi công sẽ đục tiếp 4 vòm cầu còn lại, làm cơ sở đề xuất đục thông toàn bộ vòm cầu Phùng Hưng.
Trước đó, giữa năm 2019, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã thí điểm đục thông vòm cầu số 93, bảo đảm các yếu tố kỹ, mỹ thuật và an toàn đường sắt. Sau khi hoàn thiện, Ban Quản lý cùng quận Hoàn Kiếm và đơn vị liên quan đã tổ chức đánh giá hiệu quả đầu tư, trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho phép tiến hành đục thông các vòm cầu tiếp theo.
Khu vực vòm cầu đá Phùng Hưng có 131 vòm cầu dẫn đường sắt và có tới 127 vòm cầu được bịt kín do yêu cầu đảm bảo an ninh trong giai đoạn trước đó. Đến nay, các vòm cầu này đã được UBND thành phố Hà Nội xác là sẽ định đục thông, từng bước hiện thực hóa Đề án “Không gian văn hóa, thương mại dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội”.
Sau khi được phục hồi nguyên trạng, các vòm cầu này sẽ được khai thác thành các không gian văn hóa, giới thiệu sản phẩm làng nghề, ẩm thực truyền thống cũng như các sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn khác.