Mở thêm nhiều ngành học mới
Nhiều trường đại học công bố phương thức tuyển sinh năm 2022 có nhiều điểm mới so với năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh từ kết quả thi tốt nghiệp THPT cũng giảm đáng kể
Thông tin tuyển sinh năm 2022 của các trường đại học cho biết trong kỳ tuyển sinh này, nhiều ngành mới được mở với nhiều phương thức tuyển sinh.
Phương thức tuyển sinh khác trước đây
Năm 2022, Trường ĐH Công nghệ Thông tin (thành viên ĐHQG TP HCM) sử dụng 4 phương thức xét tuyển vào các ngành đào tạo của trường. Ở phương thức xét tuyển - tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (chiếm 25% chỉ tiêu), trường ưu tiên xét tuyển thí sinh đoạt huy chương vàng/bạc/đồng ở các giải thể thao quốc tế chính thức. Điểm trung bình kết quả học tập THPT các môn trong tổ hợp xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 7.
TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin, cho biết năm 2022, lần đầu tiên trường mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng dành cho tài năng thể thao nhằm giải quyết được câu chuyện tuổi nghề của các tài năng thể thao Việt Nam, để họ có thể vừa yên tâm thi đấu hết mình vừa có cơ hội gặt hái thành công hơn nữa sau khi giải nghệ.
Một thành viên khác của ĐHQG TP HCM là Trường ĐH Bách khoa, năm 2022 cũng dự kiến tuyển sinh theo hình thức kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh bao gồm năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn. PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo nhà trường, cho biết phương thức này kết hợp kết quả học THPT, kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực… và các chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế. Trong đó, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực là một thành tố quan trọng khi thí sinh trúng tuyển bằng kết quả kỳ thi này đang thể hiện tốt năng lực học tập tại trường.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dành 10%-20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, 60%-70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20%-30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng. Đã có 8 đại học, chủ yếu khối kỹ thuật, công bố hợp tác tổ chức, sử dụng kết quả kỳ thi này của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển cùng những phương thức khác của trường.
Trường ĐH Thủy lợi cũng cho biết dự kiến sẽ áp dụng thêm phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Trường sẽ tuyển sinh dựa theo 4 phương thức là: xét tuyển thẳng, kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, kết quả học tập 3 năm THPT và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Trường ĐH Giao thông Vận tải cho hay năm nay sẽ duy trì 4 phương thức tuyển sinh. Cụ thể, trường dành 40%-50% chỉ tiêu xét tuyển bằng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, 20%-30% chỉ tiêu xét kết quả học bạ THPT; tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế chiếm 1%-2% chỉ tiêu và xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT là 5%-10%.
Năm 2022, Trường ĐH Thăng Long dự kiến tuyển 30%-50% trong tổng 3.230 chỉ tiêu bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy.
Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội
Năm 2022, nhiều trường dự kiến mở nhiều ngành mới. Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, cho biết năm 2022, trường dự kiến sẽ xây dựng và mở một số ngành mới, chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội như: công nghệ điện tử và tin học (ngành thử nghiệm), kỹ thuật máy tính, ngành quản lý tài nguyên và môi trường. Ngoài ra, trường còn đào tạo 1 chương trình liên kết đào tạo do nước ngoài cấp bằng.
Tại Trường ĐH Bách khoa TP HCM, trường sẽ mở thêm ngành kỹ thuật vật liệu chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, phục vụ chiến lược phát triển ngành vật liệu hiện đại, tiên tiến, chuẩn mực quốc tế của đất nước. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM mở mới 6 ngành học, gồm quản trị văn phòng, kinh tế quốc tế, công nghệ tài chính, kiểm toán, truyền thông đa phương tiện, quản trị sự kiện.
Trường ĐH Công nghệ TP HCM có 9 ngành mới gồm: Kinh tế quốc tế, tài chính quốc tế, digital marketing, quản trị sự kiện, dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, quản lý tài nguyên và môi trường, chăn nuôi, nghệ thuật số, công nghệ điện ảnh - truyền hình.
Ở khối ngành sức khỏe, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM dự kiến mở thêm ngành dược học; Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng năm 2022 dự kiến mở thêm 2 ngành: Y học cổ truyền, sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, trường cũng mở 2 ngành mới là thương mại điện tử và giáo dục tiểu học.
Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực
Trung tâm Khảo thí - ĐHQG Hà Nội ngày 16-12 cho biết các trường, khoa trực thuộc ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên và Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) sẽ sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức như một hình thức xét tuyển đại học năm 2022. GS-TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội - cho biết có hơn 30 trường sẽ sử dụng kết quả kỳ thi của ĐHQG Hà Nội để tuyển sinh. Dự kiến ĐHQG Hà Nội sẽ tổ chức 7-8 đợt thi đánh giá năng lực kéo dài từ tháng 2 đến 8-2022 ở nhiều tỉnh, thành khu vực miền Bắc, miền Trung và có thể ở cả TP HCM để thí sinh có nhiều cơ hội tham gia.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/mo-them-nhieu-nganh-hoc-moi-20211216202605997.htm