Mở toang cánh cửa dịch vụ bảo hiểm, cạnh tranh gay gắt sắp bắt đầu
Cánh cửa dịch vụ bảo hiểm sẽ được mở toang từ tháng 11/2019 khi các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ bổ trợ của nước ngoài được cung cấp dịch vụ qua biên giới. Dự báo, cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt.
Theo quy định mới tại Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, từ tháng 11/2019, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm qua biên giới theo quy định của Chính phủ.
Việc bổ sung hình thức hoạt động cung cấp dịch vụ qua biên giới của các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ bổ trợ vào Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2019 đã mở toang cánh cửa thị trường bảo hiểm và các dịch vụ bảo hiểm cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề này. Trước đây, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài được đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhưng văn phòng đại diện không được kinh doanh bảo hiểm.
Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Về cơ bản, đối với thị trường đang phát triển như Việt Nam, việc có thể sử dụng các dịch vụ thuê ngoài, kể cả cho các quy trình cốt lõi từ các nhà cung cấp hàng đầu thế giới sẽ giúp các công ty bảo hiểm nội hạn chế được điểm yếu ở các lĩnh vực không phải là thế mạnh.
Việc mở cửa các dịch vụ bảo hiểm qua biên giới và việc cung cấp các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới cho doanh nghiệp nước ngoài được nhận định không ảnh hưởng lớn đến khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng sẽ có nhiều tác động đến khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Cuối tháng 5/2019, Công ty Bảo hiểm Bưu điện Bắc Ninh (PTI Bắc Ninh) cùng Công ty Bảo hiểm tài sản Hoa An (Hoa An) đã tổ chức lễ ký kết hợp tác triển khai dịch vụ bảo hiểm xuyên biên giới. Theo đó, những xe tham gia bảo hiểm xe cơ giới của Hoa An, trước hết là xe chở hàng, khi xảy ra tổn thất tại cửa khẩu sẽ được PTI Bắc Ninh giám định và điều chuyển thông tin về phía Hoa An xử lý bồi thường theo quy định của hợp đồng bảo hiểm.
Ðây được xem là hình thức hợp tác song phương đầu tiên trên thị trường về dịch vụ sau bán hàng giữa một công ty bảo hiểm trong nước và một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu ở Trung Quốc. Bên cạnh việc mở ra cơ hội cung cấp các gói dịch vụ bảo hiểm phù hợp cho đối tác, với bước đi tiên phong này, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước có thể trực tiếp tham gia vào quy trình giám định bồi thường của nhau, đem lại những tiện ích khác biệt cho khách hàng cả trong và ngoài nước.
Theo đại diện PTI, nếu việc hợp tác diễn ra thuận lợi, hai bên sẽ mở rộng thêm việc giám định cho xe du lịch ở cửa khẩu và có thể là các dịch vụ bảo hiểm khác.
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, hoạt động phụ trợ bảo hiểm hỗ trợ cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm thông qua các hoạt động như tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, giám định tổn thất, hỗ trợ giải quyết bồi thường…
Phụ trợ bảo hiểm góp phần hạn chế gian lận/trục lợi bảo hiểm, tối ưu chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi trả bảo hiểm/bồi thường nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời cho người tham gia bảo hiểm. Do đó, về lý thuyết, hoạt động phụ trợ bảo hiểm càng phát triển thì càng có lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và thị trường nhờ đó càng phát triển.
Tuy nhiên, trên thực tế, ở một khía cạnh nào đó, một số doanh nghiệp bảo hiểm yếu trong công tác bồi thường có thể gặp nhiều khó khăn. Có dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, khách hàng có thể được hỗ trợ trong công tác khiếu nại bồi thường, các doanh nghiệp bảo hiểm không thể lắt léo hay “né” bồi thường… Nhưng tổng thể, về lâu về dài thì đây cũng là áp lực để các doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thiện hơn.
“Và việc cạnh tranh với các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam sẽ diễn ra cực kỳ gay gắt”, đại diện doanh nghiệp bảo hiểm nhấn mạnh.