Mở trang sách cũ - Bài 1: Người xông đất

Thông thường một tác phẩm được viết, ít thì có lời nói đầu của tác giả, thêm thì có lời nhà xuất bản hoặc lời giới thiệu của một ai đó cho tác giả, tác phẩm.

LTS: Xuất bản sách thời gian năm 1945 trở về trước có lắm điều thú vị mà ngày nay, nếu không lần tìm, độc giả hẳn bỏ quên một giai đoạn rộn ràng của làng xuất bản. Đó là những việc nhỏ như viết lời giới thiệu, sửa lỗi sai, quảng cáo trên sách…

Người viết lời tựa thường nổi tiếng, có uy tín trên đường bút mực. Do đó, việc họ viết lời tựa, lời giới thiệu giúp tác giả thêm danh giá, mà tác phẩm thêm được phần bảo chứng của người có tiếng nói.

Người viết lời giới thiệu quan trọng chẳng kém gì người hợp tuổi xông đất ngày đầu năm cho gia chủ trong dịp tết Nguyên đán. Để viết được lời giới thiệu, người ấy thường sẽ là độc giả đầu tiên tiếp cận với bản thảo để đọc, thẩm thấu nội dung, tinh thần chung của tác phẩm thì mới viết tựa… ra hồn được.

Lê Văn Trương đề tựa, đổi tên sách… Chí Phèo

Lê Văn Trương, tác giả có sách ăn khách những năm 1940, đã viết lời tựa cho tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao. Không chỉ thế, ông đổi luôn tựa của tác giả để sách mang tên là Đôi lứa xứng đôi, do Nhà xuất bản Đời Mới ấn hành năm 1941 trong lần in đầu.

Trong hồi ký Lời hứa với ngày mai, Thy Ngọc cho biết: “Nhà xuất bản rất mừng vì có cuốn sách do nhà văn “bậc nhất” lúc bấy giờ giới thiệu, nhất định là bán chạy. Còn đối với một nhà văn đang cần nhiều độc giả như Nam Cao, vừa mới mẻ lại vừa nghèo thì việc in được một cuốn sách sẽ bán được, sẽ có nhiều người biết đến, vui lắm chứ!”. Đến năm 1957 sách in lại, tên Chí Phèo mới được dùng cho tựa sách.

Lê Văn Trương viết lời tựa và đổi tên sách Chí Phèo (trái) của Nam Cao thành Đôi lứa xứng đôi; quảng cáo bán sách Hán Việt tự điển dí dỏm đăng trên báo Tiếng dân số 395, ra ngày 24-6-1931. Ảnh: ĐÌNH BA

Lê Văn Trương viết lời tựa và đổi tên sách Chí Phèo (trái) của Nam Cao thành Đôi lứa xứng đôi; quảng cáo bán sách Hán Việt tự điển dí dỏm đăng trên báo Tiếng dân số 395, ra ngày 24-6-1931. Ảnh: ĐÌNH BA

Sách Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh mà người đề từ cho tác phẩm là Hãn Mạn Tử. Kết thúc phần “Đề từ”, Hãn Mạn Tử ghi: “Huế, ngày 1 tháng 3 năm 1931”. Vậy Hãn Mạn Tử là ai? Huy Cận trong Hồi ký song đôi thông tin về nhân vật này khi đề cập đến Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), “vợ anh, chị Tuyến là con cụ Hàn Mạn Tử, Giao Thiều, một vị nhà nho học rộng, là người đã hiệu đính quyển Hán Việt từ điển cho ông Đào Duy Anh”.

Rất tiếc, thông tin của tác giả Tràng giang không chính xác. Người mà Huy Cận đề cập là Giao Tiều, đã hiệu đính quyển Hạ của Hán Việt từ điển. Còn Hãn Mạn Tử là một người rất quen thuộc với… quốc dân Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, đó là cụ Phan Bội Châu.

Chính tác giả nhờ nhà yêu nước họ Phan đề tựa đã tâm sự việc này trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm: “Trong cảnh sống cô liêu bấy giờ thấy tôi đưa bản thảo Hán Việt từ điển nhờ xem lại, cụ vui vẻ nhận lời ngay. Cụ đã đọc hết bản thảo quyển Thượng và chỉ vẽ cặn kẽ cho tôi những chỗ thiếu sót và sai lầm, cho nên tôi phải nói rõ ràng không có cái ơn tri ngộ của cụ thì bộ sách này khó lòng thành công. Cụ còn viết cho tôi lời tựa, ký bằng hiệu Hãn Mạn Tử”.

Ở hồi ký Sống với tình thương, bà Như Mân, vợ cụ Đào Duy Anh, cũng chia sẻ thông tin này: “Anh Anh nhờ cụ Phan viết cho lời đề từ, ký tên là Hãn Mạn Tử”.

Doanh gia, chức sắc viết tựa

Sách du ký Thất Sơn Hà Tiên của Cửu Long Giang (nhà in Lưu Đức Phương, 1935) được Phan Quốc Quang, quen thuộc với độc giả qua biệt tự Thượng Tân Thị, giới thiệu.

Viết tựa cũng có thể là bạn đồng nghiệp, cùng hoặc gần chuyên môn với nhau như Sơn Tây tỉnh chí (1941) của Kiểm học Phạm Xuân Độ được viết tựa bởi Thanh tra Học chính G.Mougenel. Sách có người phù hợp giới thiệu thực tăng lên biết bao nhiêu chất lượng, như cuốn Tiền và thương mải [mãi] của Đặng Ngọc Anh xuất bản năm 1942, lời tựa cho cuốn sách này được phó hội trưởng phòng Thương mãi Sài Gòn là doanh gia nổi tiếng Trương Văn Bền giới thiệu.

Cả chức sắc cũng viết lời tựa cho người nhờ mình nữa. Hoàng Trọng Phu là một trong số đó. Ông đã viết tựa cho các sách Giống cây ăn quả (1941), Nghề giồng rau (1941), Cây dùng trong kỹ nghệ (1942) của Nguyễn Công Huân, do Khoa học tạp chí xuất bản với chức danh “Nhất đẳng Bắc đẩu Bội tinh, Võ hiển điện Đại học sĩ, Nguyên lão Cố vấn đại thần”.

Hoàng Trọng Phu đã viết tựa cho sách Cây dùng trong kỹ nghệ (trái). Hoàng Trọng Phu và Vi Văn Đinh viết tựa cho sách Chùa Hương Tích của Dương Tự Giáp. Ảnh: ĐÌNH BA

Hoàng Trọng Phu đã viết tựa cho sách Cây dùng trong kỹ nghệ (trái). Hoàng Trọng Phu và Vi Văn Đinh viết tựa cho sách Chùa Hương Tích của Dương Tự Giáp. Ảnh: ĐÌNH BA

Cũng Hoàng Trọng Phu với những chức danh ở trên đã viết “Bài tựa thứ nhất” cho sách Chùa Hương Tích của Dương Tự Giáp xuất bản năm 1939, người viết “Bài tựa thứ hai” cũng là một chức sắc quen tên: Vi Văn Định - Thái tử Thiếu bảo, Hiệp tá Đại học sĩ, Hà Đông Tổng đốc.

Dù là chức sắc giới thiệu nhưng xem ra hợp lẽ chuyên môn là ở sách Khổng Tử học thuyết của Lê Văn Hòe (Quốc Học thư xã, 1943) được Thái tử Thiếu bảo, Hiệp tá Đại học sĩ lĩnh Lại bộ Thượng thư Phạm Quỳnh viết tựa. Dù là quan chức chính quyền nhưng Phạm Quỳnh cũng là học giả có tiếng uyên thâm, là người viết sách, viết báo, danh tiếng nổi khắp ba kỳ.

Xuân Diệu viết tựa cho tập thơ Lửa thiêng

Tập thơ Lửa thiêngđã làm nên tên tuổi của Huy Cận. Sách do Nhà xuất bản Đời Nay ấn hành năm 1940, được họa sĩ Tô Ngọc Vân “điểm phấn tô son”. Là người bạn chí thân của tác giả, Xuân Diệu đã viết tựa cho tác phẩm. Còn Huy Cận trong tập thơ này đã “Dâng anh Xuân Diệu” trong lời đề tặng.

Tác giả của tập thơ còn tiết lộ thêm rằng “lúc tôi tập hợp các bài thơ đã đăng báo và chưa đăng báo để in thành tập Lửa thiêng, tập thơ đầu của tôi, Thạch Lam ngỏ ý muốn viết tựa cho tôi. Đó là một lời ngỏ ý trân trọng, với tình cảm quý mến nhau rất chân thật. Tôi hơi khó xử… Nhưng khi tôi nói là anh Xuân Diệu đã chuẩn bị viết tựa Lửa thiêng từ lâu rồi thì Thạch Lam hiểu ngay đó là điều tự nhiên, “tất yếu”, không hề phiền lòng”.

TRẦN ĐÌNH BA

Nguồn PLO: https://plo.vn/mo-trang-sach-cu-bai-1-nguoi-xong-dat-post723897.html