'Mỏ vàng' của truyện tranh

Thị trường truyện tranh ngày càng phát triển phong phú, đa dạng, từ thể loại tới nội dung. Nhiều tác giả không chỉ đầu tư làm cốt truyện, nét vẽ mà còn chú trọng khai thác chất liệu văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc…

Khai phá mạch ngầm

Vốn xuất thân miền Tây, khi sáng tác truyện tranh, Lê Vũ Kiến Duy luôn lồng ghép những nét văn hóa đặc trưng của quê hương. Bộ Truyện ma sau 6 giờ (hiện đã xuất bản 3 tập) của họa sĩ trẻ này xuất hiện nhiều hình ảnh trang phục truyền thống áo bà ba, rước dâu bằng xuồng ghe, những câu ca dao, bài nhạc cổ như Con sáo sang sông, Dạ cổ hoài lang… Một số phong tục dân gian truyền thống như lễ cúng đình, múa lân cũng được đưa vào bộ truyện. Đặc biệt, xuyên suốt các tập truyện, tác giả khai thác nhiều chất liệu, yếu tố kinh dị đến từ những truyền thuyết dân gian như ma đói, ma da, ma chó, ông ba bị…

Lê Vũ Kiến Duy chia sẻ trong quá trình sáng tạo luôn ưu tiên những chi tiết gần gũi với đời sống Việt. Việc lựa chọn yếu tố văn hóa này không gặp nhiều khó khăn khi kho dữ liệu trong dân gian càng khai thác càng dồi dào giá trị. Chẳng hạn, trong tập 3 Truyện ma sau 6 giờ có chi tiết quan trọng được họa sĩ lấy cảm hứng từ hoàn cảnh ra đời bài nhạc cổ Dạ cổ hoài lang của tác giả Cao Văn Lầu. Đó là một đêm ông Sáu Lầu trực gác tại Nhà đèn Bạc Liêu năm 1920, do đau khổ nợ duyên ngang trái, ông xúc cảm viết thành bản nhạc lòng Dạ cổ hoài lang (Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng).

 Hình ảnh văn hóa Việt trong truyện tranh của họa sĩ Hoàng Tường Vy. Ảnh: TP

Hình ảnh văn hóa Việt trong truyện tranh của họa sĩ Hoàng Tường Vy. Ảnh: TP

“Từ câu chuyện dẫn đến sự ra đời của bài hát, tôi thêm bớt các yếu tố để đưa vào tập 3 Truyện ma sau 6 giờ. Độc giả khi đọc truyện có thể hiểu hơn về bài nhạc cổ và ngược lại, khi tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời bài nhạc cổ sẽ hiểu hơn về nhân vật, về bối cảnh truyện… Cứ như vậy, hầu hết chi tiết văn hóa xuất hiện trong truyện đều bình dị, mộc mạc và gắn liền với tuổi thơ của tôi, của người miền Tây với những ký ức về đời sống văn hóa miền sông nước, những câu hát dân ca, kỷ niệm buổi tối người lớn hay kể chuyện ma cho trẻ con… Cứ thế, chất văn hóa dân gian thấm vào con người mình một cách tự nhiên, rồi sống dậy sinh động trong quá trình sáng tác”. Chia sẻ như vậy, họa sĩ Lê Vũ Kiến Duy cho rằng khi được sống trong không gian văn hóa Việt, thấm nhuần giá trị văn hóa Việt thì vốn liếng kiến thức, cảm hứng về nó giống như mạch nước ngầm. “Sáng tác cũng giống như đào một cái giếng, thọc vào mạch nước ngầm ấy để dâng lên giá trị, tạo nên màu sắc riêng cho tác phẩm”.

Bên cạnh tạo hình nhân vật, việc tạo dựng bối cảnh, không gian, thời gian cũng là điểm thể hiện rõ tính dân gian, văn hóa truyền thống trong tác phẩm. Nhiều truyện tranh khai thác các bối cảnh, không gian đặc trưng của đồng ruộng, làng quê, nông thôn Việt Nam với các gam màu tươi sáng, tạo cảm giác giản dị, mộc mạc, thấm hồn dân tộc. Như bộ truyện Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm! (đoạt giải Đồng Japan International Manga Award 2022) lấy bối cảnh làng quê thời xưa. Tác giả, họa sĩ Hoàng Tường Vy vốn có hứng thú với cổ phong Việt Nam nên đã đưa nét đẹp truyền thống vào từng trang truyện. Khung cảnh làng quê như mái đình, lũy tre làng, trang phục truyền thống và cử chỉ, lời nói của nhân vật được miêu tả kỹ càng, chi tiết.

Đặt nhiều tâm sức

Không chỉ cuốn hút tác giả trẻ trong nước, văn hóa, lịch sử Việt Nam còn mê hoặc các họa sĩ truyện tranh nổi tiếng nước ngoài. Ví dụ, dự án truyện tranh Dragon on Hat của họa sĩ lừng danh Nhật Bản Akira Ito dựng theo phong cách giả tưởng có bối cảnh, cảm hứng từ lịch sử, đất nước, con người Việt Nam. Hoặc cách đây hai năm, văn hóa Việt Nam từng được họa sĩ Nhật Bản Baba Tamio truyền tải thú vị trong bộ truyện Sơn, Goal!, với những cảnh vật quen thuộc như Cầu Rồng Đà Nẵng, Nhà thờ Hồng, Hồ Con Rùa ở TP. Hồ Chí Minh… cùng các món ăn độc đáo như hải sản đường phố, bánh tráng trộn… gợi tò mò với địa danh và ẩm thực Việt.

Theo các chuyên gia, kho tàng văn hóa của Việt Nam rất đa dạng và phong phú với lịch sử dân tộc trải dài hàng nghìn năm. Việc đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào các tác phẩm truyện tranh vừa tạo nên sự gần gũi với độc giả Việt, vừa tạo dấu ấn khác biệt. Tuy nhiên, để chuyển tải những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc, các tác giả phải dành nhiều công sức, thời gian để tìm hiểu tài liệu lịch sử và chọn lọc thông tin một cách tỉ mỉ.

Họa sĩ Hoàng Tường Vy cho biết để thực hiện tốt công việc sáng tác, cô tham khảo nhiều tư liệu, tranh ảnh, tham quan những kiến trúc cổ... từ đó, kết hợp và dung hòa các yếu tố thực tế và hư cấu thành một thể thống nhất, nhằm xây dựng cốt truyện sát nhất với bối cảnh mang hơi thở dân gian, truyền thống Việt Nam. Theo họa sĩ, bên cạnh những chất liệu sẵn có, dễ nhận diện bên ngoài thì việc khai thác các chất liệu văn hóa lối sống, lễ nghi, tôn giáo, phong tục tập quán… đòi hỏi sự dày công quan sát, đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, chọn lọc.

Quan sát đời sống truyện tranh Việt Nam được xây dựng bởi lớp họa sĩ trẻ hiện đại, họa sĩ Lê Vũ Kiến Duy nhìn nhận, cộng đồng sáng tạo ngày càng năng động, ưa thích tìm về văn hóa dân gian truyền thống để phát triển câu chuyện theo cách riêng. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm sáng tác, Lê Vũ Kiến Duy cho rằng sử dụng chất liệu văn hóa dân gian cho truyện tranh vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì sự gần gũi, quen thuộc, nhưng khó ở chỗ làm sao đưa vào tác phẩm một cách hấp dẫn, tự nhiên, hòa nhập với cốt truyện hiện đại, có nhiều yếu tố kỳ ảo, hư cấu, mới lạ.

“Điểm tựa của sáng tạo nghệ thuật là văn hóa dân tộc. Việc đưa những yếu tố văn hóa truyền thống vào các tác phẩm truyện tranh sẽ trở thành dấu ấn nhận diện của tác giả Việt. Trong hành trình chuyển dịch, trở về với dòng chảy văn hóa truyền thống của giới trẻ hiện nay, mỗi tác giả truyện tranh sẽ là một gợn sóng hợp thành con sóng lớn lan tỏa giá trị đến cộng đồng”, họa sĩ Lê Vũ Kiến Duy nói.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/mo-vang-cua-truyen-tranh-post390590.html